Link nguồn bài viết https://nhandan.vn/hon-1700ha-rung-thong-o-nghe-an-bi-sau-rom-can-pha-nang-ne-post827023.html
Truy cập link gốc
Tại huyện Nghi Lộc, sâu róm gây hại nặng trên địa bàn các xã Nghi Yên, Nghi Tiến, Nghi Quang, Nghi Xá. Tổng diện tích rừng thông bị nhiễm sâu lên đến 750ha.Theo đó, tổng diện tích rừng thông ở huyện Nghi Lộc bị nhiễm sâu là 750ha. Trong đó, khoảng 300ha rừng thông của các xã Nghi Yên, Nghi Tiến, Nghi Quang, Nghi Xá (huyện Nghi Lộc) bị sâu róm cắn phá nặng nề.
Mật độ sâu khoảng 350-400 con/cây thông. Đặc biệt, sâu róm ăn trụi lá tại khu vực rừng La Nham, thuộc khoảnh 2, tiểu khu 959 xã Nghi Yên; khoảnh 1 tiểu khu 960 xã Nghi Tiến...
Ngoài ra, có khoảng 450ha diện tích rừng thông bị nhiễm sâu róm mức độ trung bình, mật độ sâu khoảng 150-200 con/cây.
Dự báo cuối tháng 9/2024, sâu róm thông thế hệ IV/2024 sẽ phát sinh và có nguy cơ lan rộng.Theo báo cáo của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nghi Lộc, tình hình sinh trưởng, phát triển sâu róm thông trên địa bàn diễn biến phức tạp.
Thời gian qua, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nghi Lộc đã phối hợp với cán bộ Viện Khoa học Lâm nghiệp thực hiện biện pháp bẫy đèn bắt sâu trưởng thành thế hệ III/2024 (sử dụng 14 bộ đèn), thực hiện từ ngày 15/8 tại các rừng thông bị nhiễm nặng gây xơ, trụi tán lá tại các xã Nghi Quang, Nghi Xá, Nghi Tiến, Nghi Yên.
Tại huyện Yên Thành, có hơn 351ha rừng thông bị nhiễm sâu. Dự báo cuối tháng 9/2024, sâu róm sẽ phát sinh và có nguy cơ phát sinh dịch hại trên diện rộng.
Rừng thông tại xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc bị sâu róm gây hại nặng nề, xơ trụi lá.Thời gian qua, Ban Quản lý rừng phòng hộ Yên Thành đã tập trung nguồn nhân lực để phun phòng, phun trừ 3 đợt trên toàn bộ diện tích rừng thông.
Khó khăn hiện nay là thông đang ở cấp tuổi VI-VIII. Chiều cao cây 20-25m khiến việc phun thuốc gặp rất nhiều khó khăn, các bình phun thuốc đã chắp vòi cao 2,5-3m nhưng có những điểm rừng dốc, cao, thuốc không bay lên ngọn cây được nên hiệu quả phun chỉ đạt 60-70%.
Ngày 26/8, ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An cùng các lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã đi kiểm tra công tác phòng, chống sâu bệnh hại cây rừng tại huyện Yên Thành và Nghi Lộc.
Sâu róm non thế hệ III/2024 phát triển mạnh.Để chủ động phòng trừ, ngăn chặn sâu róm thông thế hệ IV/2024 phát dịch trên diện rộng, hạn chế tối đa thiệt hại do sâu gây ra, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương có rừng thông chuẩn bị đủ vật tư, máy móc, nhân lực để thực hiện phun phòng, trừ hiệu quả đối với sâu róm thông thế hệ IV theo phương án đã được phê duyệt và theo hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An yêu cầu Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo các Hạt kiểm lâm có rừng thông phối hợp với các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, Ủy ban nhân dân các xã hỗ trợ điều tra phát hiện, khoanh vùng diện tích nhiễm sâu để chỉ đạo công tác phòng trừ sâu róm hại thông thế hệ III, IV/2024 có hiệu quả.
Mô hình bẫy đèn bắt sâu trưởng thành thế hệ III/2024, do Ban Quản lý rừng phòng hộ Nghi Lộc và Viện Khoa học Lâm nghiệp phối hợp thực hiện.Liên quan đến việc hỗ trợ kinh phí, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đề nghị các Ban Quản lý rừng phòng hộ phối hợp với các chủ rừng rà soát, tổng hợp nhu cầu, gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét cho chủ trương hỗ trợ kinh phí và nhân công để thực hiện công tác phòng trừ sâu bệnh hại cây rừng.
TRẦN TRUNG HIẾU