Link nguồn bài viết https://baohatinh.vn/ha-tinh-phan-dau-gieo-cay-hon-59000-ha-lua-xuan-2025-post277705.html
Truy cập link gốc
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh Nguyễn Văn Việt chủ trì hội nghị. Chiều 20/11, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh Nguyễn Văn Việt chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 và Đề án sản xuất vụ xuân 2025.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, năm 2024, ngành nông nghiệp Hà Tĩnh đã tập trung cao, thực hiện đồng bộ các giải pháp nên sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả cao và toàn diện.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng toàn ngành năm 2024 ước đạt trên 2,84%; giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích ước đạt 100,5 triệu đồng/ha; duy trì tỷ trọng chăn nuôi chiếm trên 53% cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp; tỷ lệ độ che phủ rừng đạt trên 52,58%.
Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Ngọc Hoạch trình bày các khó khăn và giải pháp tháo gỡ đẩy nhanh tiến độ triển khai Nghị quyết số 06 - NQ/TU và chính sách hỗ trợ của tỉnh về tập trung, tích tụ ruộng đất. Các địa phương cũng đã tập trung, tích tụ ruộng đất đi vào chiều sâu, cho hiệu quả rõ nét với diện tích đạt 10.120,35 ha. Sau tích tụ đã hình thành các vùng sản xuất tập trung tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện cơ giới hóa, điều tiết thủy lợi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Công tác ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số, cấp mã số vùng trồng được quan tâm, tạo chuyển biến cho người nông dân về sản xuất theo hướng hàng hóa đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn. Đến nay, toàn tỉnh có 1.296,56ha/141 cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP còn hiệu lực; 17 cơ sở sản xuất trồng trọt được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ với diện tích 93,52 ha;…
Chăn nuôi tiếp tục kiểm soát tốt các dịch bệnh, tổng đàn gia súc, gia cầm duy trì về quy mô, chất lượng đàn và sản lượng thịt xuất chuồng tăng nhẹ, ước đạt 116.224 tấn (tăng 4,4% so với năm 2023). Các mô hình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, tuần hoàn, liên kết theo chuỗi giá trị tiếp tục được nhân rộng. Lâm nghiệp tiếp tục duy trì ổn định, tăng diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; nuôi trồng, khai thác thủy sản đạt kết quả khá, tổng sản lượng thủy sản cả năm ước đạt đạt 59.345 tấn, tăng 5,12 % so với năm 2023.
Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh Trần Đức Bá thông tin các dự báo về diễn biến thời tiết trong vụ xuân 2025. Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục được triển khai quyết liệt. Từ đầu năm đến nay, có thêm 6 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 2 huyện Lộc Hà, Kỳ Anh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM. Chương trình OCOP tiếp tục đi vào chiều sâu, từ đầu năm đến nay đã công nhận 29 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, 8 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao.
Công tác quản lý về chất lượng giống, vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm; công tác thú y, quản lý các cơ sở giết mổ; công tác quản lý tàu cá, bảo vệ nguồn lợi thủy sản... được các ngành, địa phương quan tâm, chỉ đạo. Chủ động, tập trung cao trong dự tính, dự báo, phát hiện và phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh trên cây trồng.
Triển khai kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2025, Hà Tĩnh phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP nông lâm thủy sản đạt khoảng 2,5%/năm. Sản lượng lương thực đạt trên 65 vạn tấn. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt trên 119.300 tấn. Duy trì ổn định độ che phủ rừng 52%. Tổng sản lượng thủy sản đạt 62.400 tấn. Phấn đấu đến cuối năm 2025 tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM theo Quyết định số 321 của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với đề án sản xuất vụ xuân năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy 59.097 ha lúa, giảm so với vụ xuân 2024 là 221 ha (do thu hồi đất trồng lúa để thực hiện các dự án), sản lượng phấn đấu đạt trên 35,5 vạn tấn, năng suất dự kiến đạt trên 60,14 tạ/ha. Cây trồng cạn phấn đấu tổng diện tích gieo trồng 21.110 ha; trồng mới khoảng 188 ha cây ăn quả;…
Tại hội nghị, các đại biểu một số địa phương, doanh nghiệp kiến nghị tỉnh cần quan tâm phê duyệt, phân bổ kinh phí triển khai các chương trình ngay từ đầu năm để triển khai thuận lợi; tăng cường quản lý nhà nước về giống, vật tư nông nghiệp; đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Ngoài ra, nhiều địa phương cũng kiến nghị hệ thống hạ tầng kênh mương thủy lợi nội đồng xuống cấp, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, cần sớm có phương án nâng cấp, sửa chữa.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh phát biểu chỉ đạo hội nghị. Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh, căn cứ các chỉ tiêu định hướng sản xuất nông nghiệp năm 2025, ngay sau hội nghị, các địa phương khẩn trương xây dựng, ban hành, chỉ đạo, tổ chức tổng kết và triển khai thực hiện tốt các đề án, kế hoạch sản xuất đảm bảo hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra.
Thường xuyên bám sát cơ sở, đồng ruộng, chủ động trong công tác dự tính, dự báo, cảnh báo, tham mưu phòng trừ kịp thời sâu bệnh, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; ứng phó hiệu quả với các tình huống thiên tai, thời tiết bất thường; tập trung cao chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp trên các lĩnh vực.
Tiếp tục tuyên truyền và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nội dung, giải pháp Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2024 - 2030 theo Quyết định số 1216 ngày 15/5/2024 của UBND tỉnh và các đề án, kế hoạch chuyên ngành, chương trình khuyến nông đã ban hành.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện, giải ngân kịp thời các nghị quyết chính sách của HĐND tỉnh; chỉ đạo thực hiện tốt việc tổ chức ra quân làm thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp và kế hoạch kênh cố hóa kênh mương nội đồng năm 2025; tiếp tục tập trung cao, tăng cường kiểm tra, thanh tra quản lý nhà nước về giống, vật tư nông nghiệp gắn với đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, xây dựng thương hiệu, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu xây dựng NTM.
Đối với sản xuất vụ xuân 2025, Sở NN&PTNT và các địa phương cần tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt các giải pháp theo Đề án vụ xuân 2025. Hướng dẫn người dân chấp hành nghiêm lịch thời vụ gieo cấy, căn cứ thời gian sinh trưởng của từng giống và thực tiễn sản xuất tại địa phương để chỉ đạo gieo, cấy lúa trong khung thời vụ từ 10/1 - 5/2/2025, cây trồng cạn cơ bản kết thúc trong tháng 2/2025. Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, cấp mã số vùng trồng; phát triển liên kết theo chuỗi giá trị; khảo sát, lựa chọn vùng và triển khai thí điểm “Tạo tín chỉ carbon trong sản xuất lúa”.
Thái Oanh