Hà Tĩnh: Ngư dân vùng bãi ngang được mùa ruốc biển

02/10/2024 20:00
Nhiều ngày qua, bà con ngư dân ở vùng bãi ngang ven biển huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) đang tất bật vào cao điểm mùa đánh bắt con ruốc biển hay còn gọi là moi biển, tép biển. Chỉ sau một thời gian ngắn ra khơi gần bờ trong ngày, các tàu đã liên tiếp đánh bắt trúng hàng tạ đến cả tấn ruốc, mang lại nguồn thu nhập khá.
Link nguồn bài viết
https://sggp.org.vn/ha-tinh-ngu-dan-vung-bai-ngang-duoc-mua-ruoc-bien-post761666.html
Truy cập link gốc
Video: Ngư dân trúng mùa ruốc biển gần bờ

Đi dọc trên bờ biển kéo dài hàng chục cây số qua địa bàn các xã Thạch Hải, Thạch Văn, Thạch Lạc, Thạch Trị (thuộc địa bàn huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh), vào các thời điểm từ 11 giờ 30 phút đến chiều, chúng tôi ghi nhận hàng chục tàu công suất các loại của bà con ngư dân sau chuyến ra khơi đánh bắt ruốc biển (còn gọi đi te ruốc) trong buổi sáng liên tục ra vào cập bờ, trên khoang tàu chứa các khay nhựa loại lớn chất đầy ắp con ruốc biển.

Ruốc biển chất đầy các khay nhựa

Sau khi vào neo đậu sát mép bờ hoặc thuê máy kéo hẳn lên bờ cát, số ruốc biển này nhanh chóng được ngư dân, người lao động thời vụ, thương lái bốc xuống các xe kéo rồi đưa đến các địa điểm tập kết trên bờ biển để chờ vận chuyển đi tiêu thụ.

Bốc xếp xong ruốc, nhiều ngư dân lại tất bật chuẩn bị nhiên liệu cho tàu và tiếp tục quay trở ra khơi hành nghề đánh bắt ruốc, một số tàu khác thì được kéo lên bờ nghỉ ngơi chờ ngày mai đi chuyến biển mới. Không khí làm việc dọc trên khu vực bờ biển diễn ra rất hăng say, xen lẫn tiếng cười nói, thu mua ruốc, tiếng xe máy kéo ruốc, kéo tàu… nhộn nhịp, hối hả, vui vẻ.

Bốc ruốc biển từ trên khoang tàu xuống các xe kéo

Gần 13 giờ chiều 1-10, vừa bốc xong các khay chứa đầy ắp ruốc từ trên tàu công suất 30CV xuống địa điểm tập kết, trên khuôn mặt và áo ướt đẫm mồ hôi, ngư dân Phạm Văn Hùng (45 tuổi, trú xã Thạch Trị) phấn khởi cho biết, tàu của tôi có công suất máy 30CV, buổi sáng ra khơi đánh bắt ruốc biển cách bờ khoảng 500m, từ khu vực Cửa Nhượng (huyện Cẩm Xuyên) đến Cửa Sót (huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) theo dọc bãi ngang, bình quân mỗi ngày đánh bắt được khoảng 700kg - 800kg, có khi được hơn 1 tấn ruốc.

Trên khoang tàu chất đầy ắp các khay nhựa chứa ruốc biển

Theo ngư dân Phạm Văn Hùng, mùa ruốc biển thường diễn ra từ tháng 4 đến hết tháng 9 âm lịch và thường đánh bắt vào buổi ngày. Việc được mùa ruốc biển, dễ tiêu thụ ngay tại bờ cho các chủ đầu nậu với giá dao động khoảng 50.000-60.000 đồng/10kg, mang lại nguồn thu nhập đáng kể nên bà con ngư dân vui mừng. Có tàu đánh bắt được nhiều có khi thu về 5-10 triệu đồng, thậm chí vài chục triệu đồng, có khi 2-3 triệu đồng, có khi 500.000 -700.000 đồng, tùy theo biển.

Đưa ruốc về các địa điểm tập kết trên bờ biển

Tương tự, ngư dân Nguyễn Văn Lâm (34 tuổi, trú xã Thạch Trị) cho biết, tàu của anh có công suất 30CV, những ngày này, tàu ra khơi đánh bắt ruốc từ lúc 4 giờ sáng, có khi tới 11 giờ hoặc 12 giờ là quay trở vào bờ, thậm chí có khi tới 15 giờ chiều cùng ngày mới quay trở vào bờ.

Riêng trong buổi sáng nay (1-10), tàu ra khơi từ 4 giờ sáng, đến trưa thì quay vào bờ, đánh bắt được khoảng 300-400kg ruốc biển, nhập cho chủ đầu nậu với giá khoảng 45.000-60.000 đồng/10kg, tùy từng thời điểm.

Điểm tập kết ruốc trên bờ biển

Theo nhiều ngư dân, ở vùng bãi ngang ven biển xã Thạch Hải, Thạch Văn, Thạch Lạc, Thạch Trị, ra khơi đánh bắt ruốc mùa chủ yếu sử dụng loại tàu có công suất từ 20CV đến hơn 40CV. Trên tàu được thiết kế 2 chiếc sào bằng tre luồng hoặc gỗ dài khoảng 12-15m theo hình chữ V, giữa 2 sào này có gắn tấm vợt lưới...

Khi gặp luồng ruốc, ngư dân sẽ hạ vợt xuống để xúc, đưa lên khoang tàu. Mùa này, ruốc biển nhiều, xuất hiện thành đàn ở gần bờ nên việc đánh bắt khá thuận lợi, trong ngày có tàu đi liên tiếp nhiều chuyến biển.

Vận chuyển ruốc từ tàu vào bờ biển

Ruốc biển sau khi đánh bắt, đưa vào bờ đều được tiêu thụ hết nhanh chóng, trong đó chủ yếu được các chủ đầu nậu thu mua, tập kết với số lượng lớn rồi sử dụng xe đông lạnh vận chuyển đi tiêu thụ trong và ngoài tỉnh để chế biến các món ăn hoặc làm thức ăn cho nuôi trồng thủy sản.

Ngoài ra, người dân, các cơ sở chế biến trên địa bàn cũng thu mua về chế biến ủ thành sản phẩm ruốc mặn, phơi, sấy khô bán lại với giá trị cao hơn để làm thực phẩm sử dụng quanh năm…

Đưa ruốc vào bờ

Người dân dùng rổ nhựa xúc ruốc trên các tàu

Khai thác ruốc biển được mùa không chỉ mang lại thu nhập đáng kể cho ngư dân mà còn giải quyết công ăn việc làm thời vụ cho nhiều lao động nhàn rỗi của địa phương như: bốc xếp, vận chuyển ruốc.

>> Hình ảnh được mùa ruốc ở vùng bãi ngang ven biển Thạch Hà, Hà Tĩnh

Các tàu đánh bắt ruốc ở gần bờ biển

Tàu đưa ruốc vào bờ

DƯƠNG QUANG