Gỡ vướng từ đấu thầu tập trung

02/06/2023 08:35
Khoảng 3 năm nay, nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh không mua sắm được trang thiết bị phục vụ việc công. Ngoài nguyên nhân khách quan như ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các vụ án nghiêm trọng trong ngành y tế, giáo dục… việc mua sắm trang thiết bị còn bị chi phối bởi các quy định của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc ban hành danh mục tài sản mua sắm tập trung.
Link nguồn bài viết
http://daidoanket.vn/go-vuong-tu-dau-thau-tap-trung-5719492.html
Truy cập link gốc
Năm 2022, Hà Tĩnh có 11/17 gói thầu thiết bị, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm đấu thầu không thành công phải tổ chức đấu thầu lại. Ảnh Minh họa.

Hiệu quả và bất cập

Sau khi Luật Quản lý sử dụng tài sản công ra đời, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định 172/QĐ-UBND ngày 14/1/2019 về việc ban hành danh mục tài sản mua sắm tập trung.

Sau 5 năm thực hiện mua sắm tập trung theo Quyết định 172 của UBND tỉnh Hà Tĩnh, theo phân tích, nhìn nhận của cơ quan chuyên môn về tài chính cho thấy, mua sắm tập trung được tổ chức đấu thầu với số lượng lớn nên có khả năng lựa chọn được những nhà thầu lớn, có năng lực, qua đó đảm bảo chất lượng hàng hóa, chế độ bảo hành, bảo dưỡng. Mua sắm tập trung được thực hiện đấu thầu rộng rãi, do đó đảm bảo công khai, minh bạch, thuận lợi trong việc kiểm tra, giám sát. Giảm thời gian, chi phí, nhân lực tổ chức đấu thầu giúp các đơn vị tập trung hơn cho công tác chuyên môn của mình. Từ đó tăng cường tính chuyên nghiệp trong đấu thầu, góp phần tăng hiệu quả kinh tế và tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước...

Tuy nhiên, mua sắm tập trung ở Hà Tĩnh còn bộc lộ nhiều bất cập. Cụ thể, nhiều đơn vị trực tiếp mua sắm chưa chú trọng đến thời gian, chất lượng hồ sơ đăng ký mua sắm tập trung dẫn đến thời gian tổng hợp nhu cầu mua sắm có thể kéo dài vì cần các đơn vị hoàn thiện, bổ sung hồ sơ. Chủng loại hàng hóa đăng ký mua sắm đa dạng, phức tạp nên việc thực hiện các thủ tục, tổ chức đấu thầu mua sắm tập trung cần nhiều thời gian để triển khai. Một số gói thầu mua sắm tập trung đã được thông báo mời thầu nhưng không có nhà thầu tham gia nên phải thực hiện tổ chức đấu thầu lại. Chẳng hạn, năm 2022, có 11/17 phần thuộc các gói thầu thiết bị, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm của Hà Tĩnh không có nhà thầu tham gia đấu thầu.

Quá trình thực hiện các thủ tục đấu thầu lại, nhu cầu mua sắm của các đơn vị đã có sự thay đổi nên quy trình, thủ tục phải thực hiện lại từ đầu dẫn đến kéo dài thời gian mua sắm. Không những vậy, Quyết định 172 của UBND tỉnh Hà Tĩnh quy định danh mục mua sắm tập trung có những thiết bị giá trị nhỏ như bàn ghế ngồi làm việc, tủ đựng tài liệu… (mua sắm khi cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể mua sắm từ 5 cái/đợt trở lên trong năm hoặc mua sắm từ cái thứ 5 trở lên). Quy định này buộc các đơn vị phải gom hàng hóa gộp thành một gói thầu lớn để chờ đấu thầu tập trung.

Đối với trang thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh, mua sắm trang thiết bị có giá từ 100 triệu đồng/thiết bị trở lên. Còn hóa chất, sinh phẩm không quy định cụ thể. Trong khi nhu cầu của bệnh viện về vật tư tiêu hao, hóa chất, sinh phẩm rất lớn. Vấn đề này đã được Báo Đại Đoàn Kết phản ánh qua các bài viết trước đó.

Mới đây, phản ánh với PV Báo Đại Đoàn Kết, ban giám hiệu một trường học ở huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) phàn nàn, năm 2021, trường đề xuất mua 1 cái máy tính để phục vụ dạy học nhưng hết năm học rồi vẫn chưa có. Cán bộ tại một đơn vị sự nghiệp cấp 2 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh cho hay, đơn vị đề xuất mua 1 cái bàn làm việc cho cán bộ nhưng… 2 năm rồi chưa thấy đâu.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Tĩnh cũng cho biết, 3 năm nay, đơn vị không hề mua sắm một trang thiết bị nào cho ngành.

Giám sát của Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, hiện tại, tất cả các trường học trên địa bàn toàn tỉnh chưa được hỗ trợ thiết bị dạy học từ nguồn ngân sách của tỉnh để đảm bảo việc dạy - học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, dẫn đến phần lớn các tiết học có yêu cầu sử dụng thiết bị dạy học, giáo viên phải dạy “chay”, một số tiết học thực hành, làm thí nghiệm chỉ được hướng dẫn trên màn hình hoặc theo cách mô tả của giáo viên (thí nghiệm ảo).

Những bất cập từ mua sắm đấu thầu tập trung đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thực thi nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng của người dân. Các gói thầu mua sắm thiết bị, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm đấu thầu không thành công, bệnh nhân phải liên hệ cơ sở ngoài để làm xét nghiệm, chi phí đắt đỏ, trong khi các danh mục này đều do bảo hiểm chi trả.

Sửa đổi như thế nào?

Thực tiễn đặt ra buộc Hà Tĩnh phải sửa đổi Quyết định 172 về việc ban hành danh mục tài sản mua sắm tập trung. Đầu tháng 4/2023, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành tham mưu sửa đổi danh mục mua sắm tập trung.

Theo yêu cầu của UBND tỉnh, Sở GDĐT Hà Tĩnh đã tổng hợp ý kiến của 52 đơn vị trực thuộc trên địa bàn tỉnh về việc tham mưu sửa đổi danh mục mua sắm tập trung, trong đó có 40/48 đơn vị đề xuất sửa đổi danh mục mua sắm tập trung được quy định tại Quyết định 172. Đáng chú ý, các đơn vị giáo dục đề xuất điều kiện áp dụng danh mục tài sản để thực hiện mua sắm tập trung là tài sản hoặc gói tài sản có giá trị trên 300 triệu đồng. Nguồn kinh phí mua sắm bằng nguồn ngân sách hoặc gói mua sắm có cả nguồn ngân sách và nguồn hợp pháp khác.

Sở Y tế Hà Tĩnh lấy ý kiến của 30 đơn vị, trong đó 17 đơn vị trực thuộc sở, 13 đơn vị trực thuộc UBND huyện, thị xã, thành phố. Hiện có 19 đơn vị đề xuất sửa đổi bổ sung Quyết định 172. Ngoài đề xuất sửa đổi danh mục, các đơn vị y tế đề nghị điều kiện áp dụng danh mục tài sản mua sắm tập trung trong trường hợp gói tài sản có giá trị trên 200 triệu đồng.

Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Quốc Hương cho biết: Đơn vị được UBND tỉnh giao chủ trì tham mưu, tổng hợp ý kiến sửa đổi danh mục mua sắm tập trung. Hiện nay, dự thảo sửa đổi đang hoàn thiện để trình Sở Tư pháp thẩm định, sau đó trình UBND tỉnh phê duyệt.

Theo ông Võ Trọng Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh: Thời gian qua, Quyết định 172/QĐ-UBND ngày 14/1/2019 Về việc ban hành danh mục tài sản mua sắm tập trung đã phát huy hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên Quyết định cũng bộc lộ một số bất cập nhất định, gây khó khăn cho việc đấu thầu mua sắm tập trung. Tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành lấy ý kiến từ các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố và tham khảo các tỉnh, thành trên cả nước để sửa đổi phù hợp với thực tiễn, tháo gỡ khó khăn cho các cơ quan, đơn vị.

HẠNH NGUYÊN