Đưa du lịch Hà Tĩnh phát triển xứng tầm ngành kinh tế trọng điểm (bài 3): Vì sao có 'bột' chưa 'gột nên hồ'?!

16/03/2023 09:25
Đưa du lịch Hà Tĩnh phát triển xứng tầm ngành kinh tế trọng điểm (bài 3): Vì sao có 'bột' chưa 'gột nên hồ'?!
Link nguồn bài viết
Đưa du lịch Hà Tĩnh phát triển xứng tầm ngành kinh tế trọng điểm (bài 3): Vì sao có 'bột' chưa 'gột nên hồ'?!
https://baomoi.com/dua-du-lich-ha-tinh-phat-trien-xung-tam-nganh-kinh-te-trong-diem-bai-3-vi-sao-co-bot-chua-got-nen-ho/c/45297333.epi
Truy cập link gốc
Nhiều năm nay, du lịch Hà Tĩnh vẫn được đánh giá là có “bột” mà chưa “gột nên hồ”. Thực tế đó bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó các nguyên nhân chủ quan trong quá trình xây dựng chiến lược, điều hành quản lý, triển khai thực hiện… vẫn là những yếu tố quan trọng, có tính quyết định đối với thực trạng phát triển du lịch Hà Tĩnh trong thời điểm hiện nay.

...

Có thể nói, vốn đầu tư là một trong những nguồn lực quan trọng hàng đầu trong phát triển du lịch. Những năm qua, Hà Tĩnh đã triển khai nhiều hình thức huy động, khai thác và phát huy nguồn lực công - tư nhưng hiệu quả mang lại chưa cao. Số liệu thống kê từ Sở KH&ĐT cho thấy, từ năm 2015-2020, có 36 công trình liên quan đến hạ tầng du lịch đã được đầu tư từ ngân sách Trung ương và tỉnh với số vốn được bố trí trên 465,9 tỷ đồng; trong 2 năm 2021 và 2022, có 11 dự án du lịch - dịch vụ được bố trí nguồn đầu tư công với số tiền trên 145 tỷ đồng. Bà Võ Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Du lịch (Sở VH-TT&DL) cho biết: “Nguồn ngân sách đầu tư cho hạ tầng du lịch hiện chỉ ở mức trung bình, chưa đáp ứng các nhu cầu cơ bản nhất, kể cả các khu du lịch lớn, tình trạng thiếu vốn đầu tư hạ tầng, giao thông vẫn kéo dài nhiều năm. Điều đó đã hạn chế rất nhiều trong thu hút đầu tư cũng như thu hút du khách”.

...

Trong huy động nguồn lực, du lịch Hà Tĩnh cũng chưa khai thác được nguồn xã hội hóa - vốn được xem là nguồn đầu tư chủ lực để phát triển. Trong khi một số tỉnh, thành khác đã tận dụng lợi thế, xây dựng chính sách thu hút doanh nghiệp (DN), người dân chủ động tham gia đầu tư các dự án phát triển sản phẩm du lịch thì Hà Tĩnh vẫn đang “mắc kẹt” trong các quy định về thủ tục dẫn đến sự đình trệ của nhiều công trình, dự án cũng như hạn chế sự tích cực, sáng tạo của cộng đồng trong đầu tư nguồn lực, xây dựng các mô hình du lịch phù hợp.

Với hàng trăm ha, KDL Bắc Thiên Cầm đang chờ triển khai các dự án đầu tư.

Video: Hình ảnh tắc nghẽn trên tuyến đường đến KDL Thiên Cầm trong ngày khai trương mùa du lịch biển Hà Tĩnh năm 2022. Thực hiện: Giang Nam

Theo thống kê của Sở KH&ĐT, trong 5 năm qua, Hà Tĩnh có hơn 70 dự án thực hiện các thủ tục đầu tư phát triển du lịch nhưng số dự án được triển khai chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các nhóm dự án gặp khó khăn gồm: dự án đã thực hiện thủ tục thuê đất và đang đầu tư xây dựng; dự án đã thuê đất nhưng chậm tiến độ kéo dài, không đưa vào sử dụng; dự án chưa hoàn thành GPMB, chưa được cho thuê đất và dự án chưa được cho thuê đất (100% do Nhà nước quản lý) do vướng mắc quy định tại Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ (về sửa đổi, bổ sung một số nghị định, quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai). Trong đó, nhóm cuối cùng là nhóm vướng mắc nhiều nhất. Thực trạng này kéo dài nhiều năm vừa khiến DN rơi vào khó khăn, vừa làm tắc nghẽn dòng vốn xã hội hóa đầu tư vào du lịch. Bên cạnh đó, hậu quả của việc thu hút đầu tư thiếu chọn lọc nhiều năm trước đang để lại thực trạng không dễ giải quyết, đó là toàn tỉnh có hàng chục dự án đã được chấp thuận, được giao đất nhưng chủ đầu tư không triển khai thực hiện cam kết. Trong khi đó, một số vị trí quy hoạch phát triển du lịch lại không có sẵn mặt bằng sạch để giao cho nhà đầu tư.

KDL biển Lộc Hà vẫn còn nhiều khoảng đất bỏ không do các dự án chưa có chủ trương chấp thuận đầu tư.

Ông Bùi Việt Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn huyện Nghi Xuân có gần 30 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng lại không triển khai dự án dẫn đến nguồn đất thuộc vùng tiềm năng phát triển du lịch bị bỏ hoang; 13 dự án ở Khu du kịch (KDL) Xuân Thành đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng không giao được đất do vướng các quy định tại Nghị định 148/NĐ-CP. Thực tế đó dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn tài nguyên du lịch. Để giải quyết một phần tồn tại đó, hiện nay, huyện đang tích cực rà soát các dự án thuộc thẩm quyền để xử lý”.

Bên cạnh một số cơ sở lưu trú mới được xây dựng, KDL Xuân Thành còn có hàng chục cơ sở xuống cấp, dự án treo gây lãng phí tài nguyên.

Cùng với những nguyên nhân đó, việc thiếu những cơ chế, chính sách hỗ trợ hoặc có nhưng chưa phù hợp cũng đã hạn chế sự tham gia của các DN trong phát triển du lịch, nhất là xây dựng các sản phẩm phụ trợ. Thêm vào đó, những ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu tạo nên tính mùa vụ của du lịch cũng tác động đến sự đầu tư của DN. Hiện nay, tại các khu du lịch của Hà Tĩnh, việc cộng đồng tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch cũng chỉ dừng ở mức độ mở các cửa hàng ăn uống ven biển với sự đầu tư không cao cả về cơ sở vật chất lẫn nguồn nhân lực. Trong vài năm trở lại đây, một số cá nhân cũng đã đầu tư điểm du lịch sinh thái theo hình thức nhà vườn, trang trại hay các điểm check-in phục vụ du khách tại các KDL biển, tuy nhiên, số lượng cũng chỉ mới đếm trên đầu ngón tay.

KDL sinh thái nhà vườn Đức Đường ở xã Xuân Viên (Nghi Xuân).

Trong những năm qua, Nghị quyết số 81/2017-HĐND của HĐND tỉnh và một số chính sách phát triển du lịch đã được ban hành, triển khai, tuy nhiên, việc hấp thu chính sách của DN, người dân lại chưa cao, dẫn đến tình trạng không bố trí được nguồn ngân sách. Theo số liệu từ Sở Tài chính, trong các năm từ 2020-2022, mỗi năm ngân sách bố trí nguồn kinh phí cho phát triển du lịch là 8 tỷ đồng nhưng không năm nào sử dụng hết nguồn kinh phí được cấp. Cụ thể, năm 2020, ngân sách chỉ phân bổ 2.828 triệu đồng, năm 2021 là 2.986 triệu đồng và năm 2022 chỉ 1.952 triệu đồng. Ông Thái Văn Sinh - Phó Trưởng ban VH-XH (HĐND tỉnh) cho rằng: “Chính sách ban hành có lúc thiếu thực tế hoặc các thủ tục để “hấp thu” chính sách chưa thông thoáng, chưa tạo điều kiện cho các đối tượng dễ dàng tiếp cận. Ngay cả hiện nay, chính sách mới ban hành theo Nghị quyết số 98/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh (thay thế Nghị quyết 81/2017/NQ-HĐND) cũng chỉ mới giải quyết được một số yêu cầu trước mắt chứ chưa đồng bộ, toàn diện để tạo động lực lớn cho đầu tư phát triển du lịch”.

Trong rất nhiều cuộc làm việc của tỉnh và ngành chủ quản cũng như chính quyền các địa phương, chúng tôi đã được nghe khá nhiều những đánh giá về tiềm năng, kết quả, hạn chế và các giải pháp trong phát triển du lịch của tỉnh. Tuy nhiên, sau nhiều năm, hoặc là các giải pháp chưa được thực hiện triệt để, hoặc là thiếu các giải pháp hữu hiệu nên du lịch Hà Tĩnh vẫn mãi ở dạng tiềm năng, chưa thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn như mục tiêu của Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị năm 2017.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu tham gia quảng bá du lịch Hà Tĩnh tại Hội chợ du lịch TP Hồ Chí Minh năm 2022.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng đó là do thiếu chiến lược trong xây dựng và quảng bá sản phẩm du lịch. Trong đó, biểu hiện rõ nhất là thiếu chiến lược và quyết liệt trong xác định, xây dựng sản phẩm mang tính đặc trưng; chưa có giải pháp và nhân lực tâm huyết để khai thác sâu các giá trị văn hóa độc đáo để tạo sự hấp dẫn đối với du khách. Ở loại hình du lịch biển, Hà Tĩnh chưa có dấu ấn nào đặc biệt, trở nên mờ nhạt trong đối sánh với các tỉnh có cùng tiềm năng như Nghệ An, Thanh Hóa. Hoặc ở loại hình du lịch văn hóa - tâm linh, Hà Tĩnh cũng chưa khai thác được nét đặc trưng nhất, có tính nổi trội với những dịch vụ phụ trợ ưu việt để có thể có sức hút đối với du khách. Hơn thế nữa, giữa các loại hình du lịch này cũng chưa xây dựng được mối liên kết để có thể giữ chân du khách, buộc họ phải “rút hầu bao” lưu trú lâu hơn.

Trong những năm qua, mặc dù công tác quảng bá, xúc tiến được chú trọng nhưng việc khai thác nguồn lực khoa học công nghệ, nguồn lực mềm trong phát triển du lịch chưa thực sự hiệu quả. Du lịch Hà Tĩnh vẫn chưa tạo được dấu ấn từ hiệu quả tuyên truyền, xây dựng hình ảnh về điểm đến, nhất là các câu chuyện văn hóa, danh nhân gắn với các khu di tích. Việc số hóa di sản, số hóa dữ liệu các KDL chưa gắn với việc phát triển du lịch trên nền tảng công nghệ thực tế ảo (AR), thực tế tăng cường (VR) và trí tuệ nhân tạo (AI-TTS). Điều này dẫn đến hạn chế trong việc hợp tác với các DN trên toàn quốc và xa hơn nữa là hợp tác khu vực, hợp tác quốc tế.

Công tác quảng bá du lịch của Hà Tĩnh hiện nay vẫn yếu và thiếu; chưa có chiến lược bài bản để mang lại hiệu quả tương xứng với tài nguyên

Bà Dương Yến Ly - Phó Giám đốc Công ty Du lịch Chim cánh cụt (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Điều hành DN du lịch hàng chục năm nay nhưng tôi chưa hề có thông tin tường tận về các di tích ở Hà Tĩnh cũng như các danh nhân, các câu chuyện truyền thuyết gắn với các di tích đó. Có thể nói, công tác quảng bá du lịch của Hà Tĩnh hiện nay vẫn yếu và thiếu; chưa có chiến lược bài bản để mang lại hiệu quả tương xứng với tài nguyên của địa phương”.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia trên lĩnh vực du lịch cũng cho rằng, lâu nay, việc xây dựng sản phẩm du lịch ở Hà Tĩnh vẫn còn trong tình trạng manh mún, thiếu trọng tâm, không phù hợp với thực tế địa phương. Có thể kể ra những “sản phẩm lỗi” như: mô hình homestay Phong Giang (Tiên Điền), một số mô hình du lịch cộng đồng gắn với du lịch trải nghiệm xây dựng NTM tại nhiều địa phương…

Mô hình Homestay Phong Giang (thị trấn Tiên Điền - Nghi Xuân) không phát huy hiệu quả sau nhiều năm xây dựng.

Bên cạnh thiếu chiến lược về sản phẩm thì việc Hà Tĩnh chưa có chiến lược sử dụng nguồn nhân lực cũng là một trong những yếu tố kéo du lịch Hà Tĩnh xuống vùng “lõm”. Khảo sát bước đầu cho thấy, về quản lý Nhà nước ở cấp tỉnh chỉ bố trí được 5 cán bộ, còn các địa phương chỉ có 3/13 địa phương có cán bộ theo dõi về du lịch có đào tạo chuyên môn; hầu hết nhân lực tại các ban quản lý các khu, điểm du lịch, chủ các DN du lịch đều không được đào tạo chuyên ngành. Thêm vào đó, các cơ sở lưu trú du lịch đang sử dụng phần lớn lao động chưa đạt tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ, thiếu kỹ năng giao tiếp, ứng xử, phục vụ du khách. Thực tế này bắt nguồn từ thực trạng “chảy máu” lao động đã qua đào tạo trong nhiều năm nay. Đến cuối năm 2022, trong 3.500 lao động đang làm việc trong ngành du lịch chỉ có 1.470 người được đào tạo chuyên ngành. Trong khi đó, mỗi năm, các cơ sở đào tạo những ngành, nghề về du lịch trong tỉnh đã có khoảng 500-700 sinh viên, học sinh tốt nghiệp. “Nguồn nhân lực đã qua đào tạo này bị “chảy máu” một phần vì họ đã xác định mục tiêu đi xuất khẩu lao động trước khi đăng ký học, một phần khác do chế độ đãi ngộ chưa tương xứng và công việc không có tính liên tục nên họ tìm đến những địa phương khác có ngành du lịch phát triển hơn”, bà Đặng Thị Thúy Hằng - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nguyễn Du chia sẻ.

....

Tình trạng du lịch có “bột” mà không “gột nên hồ” cũng bắt nguồn từ việc các sở, ngành, địa phương chưa thực sự tâm huyết, trách nhiệm trong giải quyết vướng mắc, khắc phục những hạn chế để xây dựng môi trường thuận lợi cho phát triển du lịch. Điều đó thể hiện rất rõ trong việc một số dự án bị tắc nghẽn GPMB hoặc không thuê được đất do những vướng mắc về định giá đất; trong việc quản lý giá cả các loại dịch vụ như phòng nghỉ, ăn uống…; trong việc xây dựng môi trường ứng xử văn hóa, kỹ năng xử lý sự cố phát sinh với du khách. Du lịch phải bắt đầu từ nụ cười thân thiện và môi trường thân thiện, trong đó, mỗi cá nhân tham gia kinh doanh và mỗi người dân phải thực sự là một đại sứ du lịch, là một hướng dẫn viên chân tình, mến khách nhưng tại Hà Tĩnh, các địa phương và ban quản lý các khu, điểm du lịch cũng chưa thực sự chú trọng vấn đề này… Đây cũng chính là điểm trừ khi du khách đến Hà Tĩnh.

Các đầu bếp chế biến món ăn đặc sản Hà Tĩnh phục vụ du khách tại Ngày hội du lịch TP Hồ Chí Minh dịp tháng 5/2022 (ảnh 1). Sinh viên thực hành chế biến món ăn tại Trường Cao đẳng Nguyễn Du (ảnh 2). Đội ngũ nhân viên phục vụ được đào tạo tại các KDL còn chiếm tỷ lệ thấp (ảnh 3). Hằng năm, các trường đại học, cao đẳng ở Hà Tĩnh đào tạo một lượng khá lớn sinh viên ngành du lịch nhưng đa số các em sau khi tốt nghiệp đều chọn đi XKLĐ hoặc đến địa phương khác làm việc (ảnh 4).

Du lịch Hà Tĩnh nhiều năm qua vẫn luẩn quẩn với những khó khăn, hạn chế. Để hóa giải những “cái khó”, giúp du lịch Hà Tĩnh vươn lên, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong chỉ đạo điều hành nhằm tạo môi trường phát triển thông thoáng, thuận lợi nhất thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp không khói.

BÀI, ẢNH: NHÓM P.V. CHÍNH TRỊ XÃ HỘI

THIẾT KẾ: HUY TÙNG

(CÒN NỮA)

>> Bài 1: Vùng đất nhiều di sản và thắng cảnh đang ở đâu trên bản đồ du lịch cả nước?

>> Bài 2: Còn nhiều “khoảng trống”, thiếu hấp dẫn du khách