Đoàn công tác Bộ Tài chính làm việc với Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh và phòng thủ dân sự Nghệ An

28/06/2022 14:31
Link nguồn bài viết
Đoàn công tác Bộ Tài chính làm việc với Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh và phòng thủ dân sự Nghệ An
https://baomoi.com/doan-cong-tac-bo-tai-chinh-lam-viec-voi-ban-chi-huy-phong-chong-thien-tai-tim-kiem-cuu-nan-tinh-va-phong-thu-dan-su-nghe-an/c/43014708.epi
Truy cập link gốc
Đoàn công tác của Bộ Tài chính do đồng chí Vũ Đức Hội - Vụ phó Vụ Ngân sách Nhà nước, làm trưởng đoàn. Làm việc với đoàn, về phía Nghệ An có đại diện các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh.

Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước với 16.492,5 km2, trong đó, khu vực miền núi và trung du chiếm 83%; đồng bằng, ven biển chiếm 17%. Với địa hình đa dạng cùng với khí hậu khắc nghiệt nên trên địa bàn thường xuyên xảy ra thiên tai. Trong năm 2021, nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc, sét, rét hại, mưa, bão gây ngập lụt đã diễn ra nhiều nơi. Nhất là cơn bão số 6 đã gây mưa lớn, ngập lụt từ ngày 23/9 đến ngày 27/9/2021.

Ông Nguyễn Trường Thành - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An báo cáo với đoàn công tác tình hình thiên tai trong năm vừa qua trên địa bàn. Ảnh: Tiến Đông

Trong năm 2021, thiên tai đã làm chết 6 người; 4 người bị thương; 18 nhà bị sập; 22 nhà bị hư hỏng, tốc mái; 337 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất; 3.934 nhà bị ngập; 812 hộ dân phải di dời do ngập lụt và ảnh hưởng của sạt lở đất…; ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 698,966 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh còn xảy ra 56 vụ tai nạn, sự cố tàu thuyền trên biển, đã làm chết 23 người, mất tích 7 người, bị thương 2 người; 4 phương tiện bị cháy hoàn toàn, 11 phương tiện và 3 bè mảng bị chìm.

Do khu vực trung du và đồi núi chiếm tỷ lệ cao nên thường xuyên xảy ra sạt lở đất gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Ảnh: tư liệu BNA

Riêng đầu năm 2022, trên địa bàn cũng đã xảy ra nhiều đợt thiên tai, trong đó, từ ngày 30/4 đến ngày 22/5 đã xảy ra nhiều đợt mưa lớn, làm bị thương 1 người, thiệt hại hoàn toàn 6 nhà; tốc mái, hư hỏng 215 nhà, 1 điểm trường bị ảnh hưởng, làm hư hại 434,51 ha lúa; 991,68 ha ngô và hoa màu; 550,92 ha cây trồng lâu năm; 3,77 ha cây trồng hàng năm; 8,98 cây ăn quả; 4.412 con gia súc, gia cầm bị chết; 16,697 ha thủy sản bị thiệt hại; 263,6 m3 lồng nuôi cá bị cuốn trôi, hư hỏng.

Ngoài việc địa bàn rộng, thiên tai thường xuyên xảy ra đã khiến cho nhiều cơ sở vật chất, hạ tầng bị phá hủy, cây trồng, vật nuôi cũng như con người gặp thiệt hại. Bên cạnh đó, do tỉnh còn khó khăn nên nguồn lực đầu tư cho công tác phục hồi, tái thiết sau thiên tai còn rất hạn chế, chủ yếu tập trung công tác khắc phục hậu quả mang tính khẩn cấp, ngắn hạn.

Ông Vũ Đức Hội - Vụ phó Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Tiến Đông

Tại cuộc họp, đại diện Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh cũng đã đề xuất với Bộ Tài chính xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ tỉnh Nghệ An kinh phí xây dựng, sửa chữa, nâng cấp công trình trọng điểm phòng, chống thiên tai cũng như xử lý sạt lở, sụt lún trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có một số công trình xung yếu như đoạn đê Tả Lam từ K9+000 đến K10+890 hiện chưa được sửa chữa, nâng cấp, mặt đê nhỏ (rộng 3m, bằng 1/2 chiều rộng mặt đê theo Quy hoạch), chiều cao thân đê lớn, đê nằm sát sông, có 2 cống tiêu dưới đê được xây dựng từ thời Pháp thuộc… tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi có lũ lớn trên sông Lam.

Bờ sông Lam đang ngày càng bị xâm lấn. Ảnh: Tiến Đông

Bên cạnh đó, còn có các tuyến đê biển được xây dựng từ lâu và hiện tại chỉ đảm bảo chống được bão cấp 10, mực nước triều tần suất 5%. Vì thế, cần thiết phải đầu tư nâng cấp các tuyến đê biển theo tiêu chuẩn chống được gió bão cấp 12 và nước biển dâng do biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, qua rà soát, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 169 vị trí, khu vực đã xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra sụt lún, sạt lở đất, ảnh hưởng đến 3.064 hộ/12.283 nhân khẩu và cơ sở hạ tầng.

Đoàn công tác cùng đại diện các sở, ban, ngành đi kiểm tra tình hình sạt lở bên bờ sông Lam đoạn dưới chân cầu Yên Xuân thuộc địa phận huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Tiến Đông

Chưa kể hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn có 50 hồ chứa thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ mất an toàn, trong đó, có 12 hồ thuộc nhóm ưu tiên cấp bách cần phải sửa chữa, nâng cấp.

Sau khi lắng nghe báo cáo của đại diện Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh, ông Vũ Đức Hội - Vụ phó Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cho biết: Về cơ bản, Nghệ An đã bám sát chủ trương, báo cáo kịp thời tình hình phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Đây sẽ là cơ sở để đoàn công tác tập hợp để trình lãnh đạo Bộ, tham mưu cho Thủ tướng có quyết định cuối cùng.

Đăng ký tên miền