Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

28/11/2024 09:43
Dân ca ví, giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.
Link nguồn bài viết
https://baohatinh.vn/cuon-bien-nien-su-cua-cong-dong-nguoi-xu-nghe-post278168.html
Truy cập link gốc
Nhân kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh (2014-2024), GS.TS. Nhà giáo Ưu tú Bùi Quang Thanh - một trong những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực di sản văn hóa, người tham gia xây dựng hồ sơ trình UNESCO đã chia sẻ với Báo Hà Tĩnh về những giá trị, quá trình thực hiện cam kết về việc bảo tồn di sản vô giá này.

GS.TS. Nhà giáo Ưu tú Bùi Quang Thanh

P.V:Thưa giáo sư, xin ông khái quát những giá trị cốt lõi của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã được UNESCO đánh giá, ghi nhận khi quyết định công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại?

GS.TS Bùi Quang Thanh: Dân ca ví, giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng. Trải qua lịch sử tồn tại và phát triển hàng trăm năm, dân ca ví, giặm đã hình thành nên hàng loạt hệ thống bài ca tiêu biểu, chứa đựng những giá trị đặc sắc:

Một là, mang đặc trưng tự sự, diễn đạt theo lối văn vần dân gian, được kể/hát lên trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày. Ví, giặm Nghệ Tĩnh ẩn chứa trong đó những giá trị lịch sử - văn hóa một cách hồn nhiên, cụ thể và sinh động. Lần theo ca từ của hàng nghìn câu ví, câu giặm, dễ dàng nhận ra bóng dáng thực của mọi chuyện “trong làng, ngoài xã”, từ lai lịch một cuộc tình, một chân dung đời thường đến những câu chuyện trực diện về vua quan, về các thế lực thống trị phong kiến hay giặc ngoại xâm… Có thể nói ví, giặm chính là cuốn biên niên sử của cộng đồng người xứ Nghệ.

Hai là, so với các loại hình sinh hoạt văn nghệ dân gian đã và đang hiện tồn trên khắp mọi vùng, miền đất nước, thật khó có loại hình nghệ thuật nào có được giá trị văn hóa xã hội sâu, rộng và bao quát mọi ngóc ngách đời sống cộng đồng như dân ca ví, giặm. Bằng những lời ca ngắn gọn ví von, những câu chữ cụ thể, thân tình, ví, giặm lay động, thức tỉnh lòng người mọi thế hệ hướng về những đạo lý làm người, những khuôn mẫu đạo đức xã hội thông qua lời tâm tình về chữ hiếu, chữ nghĩa, chữ nhân...

Ba là, cũng như bất kỳ mọi hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian của Việt Nam và thế giới, dân ca ví, giặm với sức sống tự thân của nó, luôn hiện hữu những giá trị nghệ thuật đặc sắc, được chưng cất từ trí tuệ nghệ sĩ bình dân và bác học của người xứ Nghệ. Đặc biệt, trên hành trình phát triển văn hóa nghệ thuật Việt Nam, dường như ví, giặm đã và đang trực tiếp trở thành bệ đỡ, góp phần đào luyện, sản sinh ra hàng loạt các thế hệ nhạc sĩ, hàng trăm sáng tác âm nhạc đương đại, với nhiều ca khúc mang âm hưởng ví, giặm, chắt lọc từ ví, giặm, kế thừa và nâng cao từ ví, giặm để đạt đến tầm bất tử, còn mãi với thời gian.

Bốn là, nếu thử tạm gạt ra những giai điệu ngân nga, cuốn hút lòng người, những bài ví, giặm khi đó sẽ còn lại với người đời là hàng loạt những câu thơ, bài thơ lục bát kỳ diệu, những bài thơ ngũ ngôn, tứ tuyệt đặc sắc, đóng góp vào kho tàng văn học Việt Nam những giá trị văn chương vô giá.

Năm là, giá trị bao trùm toàn bộ kho tàng dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là giá trị nhân sinh đa diện và sâu sắc. Dân ca ví, giặm là loại hình rất dễ tiếp nhận và thực hành bởi bất kỳ người dân nào gốc Nghệ An và Hà Tĩnh. Dân ca ví, giặm không kén chọn thời gian, không gian và hoàn cảnh để thực hành.

Về cơ bản, chương trình hành động bảo tồn và phát huy giá trị di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã được thực hiện một cách xuất sắc.

P.V: Như chúng ta được biết, Việt Nam đã cam kết 8 điều khi đệ trình hồ sơ với UNESCO về việc bảo tồn và phát huy giá trị dân ca ví, giặm hiện tại và lâu dài bền vững. Vậy, giáo sư có nhận xét gì về kết quả thực hiện các cam kết đó sau 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh?

GS.TS Bùi Quang Thanh: Nhìn vào thực tiễn, không khó để thấy rằng, kể từ sau khi dân ca ví, giặm được UNESCO ghi danh (2014), di sản này đã và đang thể hiện một sức sống mãnh liệt, với sự lan tỏa trong đời sống cộng đồng không chỉ ở phạm vi 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh mà còn được đón nhận ở các cộng đồng địa phương khác trên phạm vi cả nước và cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

Soi vào thực tế sau 10 năm di sản được ghi danh, với tư cách một người hoạt động khoa học và có quan tâm nhất định đến thực tiễn sinh hoạt ví, giặm ở Nghệ Tĩnh, tôi nhận thấy rằng, về cơ bản, chúng ta đã thực hiện chương trình hành động bảo tồn và phát huy giá trị di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh một cách xuất sắc. Đây là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của cộng đồng người dân, chính quyền và đội ngũ quản lý văn hóa các cấp ở 2 tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh và Bộ VH-TT&DL; sự hỗ trợ của các cơ quan Nhà nước và đội ngũ doanh nghiệp địa phương.

P.V: Vậy, đâu là những khó khăn, thách thức khiến chúng ta trăn trở trong quá trình bảo tồn, phát huy dân ca ví, giặm trong đời sống của người dân các địa phương?

GS.TS Bùi Quang Thanh: Tôi còn nhớ, cách đây 10 năm, khi Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tiến hành kiểm kê khoa học dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh thì một trong những vấn đề mà các nhà khoa học lo lắng nhất là việc di sản này bị “sân khấu hóa”. Đến nay, đây vẫn là thực trạng đáng lo ngại. Thực tế cho thấy, do nhiều biến thiên về tự nhiên và xã hội trong tiến trình vận động lịch sử, môi trường diễn xướng của ví, giặm đã không còn nguyên gốc cả về không gian sinh thái lẫn hoàn cảnh lao động và sinh hoạt tại các làng quê.

Bên cạnh đó, quan sát thực trạng sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở Nghệ Tĩnh có thể thấy các địa phương vẫn còn hạn chế trong các khâu sưu tầm, ghi chép cũng như diễn trình lễ hội truyền thống địa phương. Tại nhiều làng/xóm, các hình thức tổ chức trò chơi dân gian gắn với các bài giặm hầu như biến mất. Một số bậc cao niên ở một số làng quê đã có ý thức ghi chép nhưng còn mang tính tự phát, chủ quan. Thực trạng đó dẫn đến sự đơn điệu, chắp vá và mất đi bản sắc độc đáo, hấp dẫn vốn có của vùng đất này.

Một tiết mục trong khuôn khổ Festival kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh.

P.V: Thời gian tới, cần phải làm gì để hoạt động bảo tồn, phát huy di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đạt được kết quả cao hơn, thưa giáo sư?

GS.TS Bùi Quang Thanh: Chúng ta thấy rằng, do một số tác động khách quan và hạn chế chủ quan, một số yếu tố trong công tác bảo tồn, bảo vệ và phát huy giá trị di sản vẫn cần được nghiêm túc đánh giá, điều chỉnh và xây dựng những cơ chế, chính sách phù hợp hơn với sự vận động của thực tiễn cũng như sự phát triển của ví, giặm trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tiếp nhận khoa học công nghệ tiên tiến hiện nay.

Theo tôi, trong thời gian tới, nhiệm vụ cần thiết đặt ra để chính quyền và các nhà quản lý văn hóa cũng như cộng đồng người dân hai tỉnh cần quan tâm giải quyết, đó chính là có những giải pháp ứng dụng cụ thể để khắc phục hạn chế và giải quyết các nguy cơ đã và đang có những tác động tiêu cực đến sự hiện tồn của di sản được nêu ở trên. Có như vậy, chúng ta mới hoàn thành được mục tiêu bảo vệ và phát huy giá trị di sản dân ca ví, giặm một cách bền vững, hoàn thành các cam kết với UNESCO về di sản văn hóa mang tầm nhân loại này; từ đó góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

P.V: Xin cảm ơn giáo sư!

Thái Sinh (thực hiện)