Công trình đại thủy nông và nỗi lo mùa lũ - Bài 1: Hồ Kẻ Gỗ và trận lũ lịch sử

02/10/2024 12:22
Khi chưa xây dựng cao tốc Bắc - Nam, vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ (xã Cẩm Mỹ, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) từng trải qua nhiều trận lũ lịch sử, nặng nề nhất là trận lũ năm 2010 và 2020. Hiện nay, huyết mạch giao thông Bắc - Nam chạy song song hồ Kẻ Gỗ qua địa bàn huyện Cẩm Xuyên như một bờ đê 'chắn ngang' dòng nước từ công trình thủy lợi đổ về hạ du. Bởi vậy, người dân, chính quyền địa phương vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ lo lắng, bất an khi mùa mưa lũ đang cận kề.
Link nguồn bài viết
https://daidoanket.vn/cong-trinh-dai-thuy-nong-va-noi-lo-mua-lu-bai-1-ho-ke-go-va-tran-lu-lich-su-10291518.html
Truy cập link gốc
Trận lũ lịch sử năm 2020 khiến vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ chìm trong biển nước.

Lần giở ký ức về lũ lụt lịch sử ở hạ du hồ Kẻ Gỗ, người dân huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên và TP Hà Tĩnh chưa hết lo âu khi đỉnh lũ lịch sử tháng 10 năm 2010 và năm 2020 vẫn hằn in trên mỗi vách tường nhà dân. Hậu quả của thiên tai để lại quá lớn.

Công trình lịch sử

Hồ Kẻ Gỗ là công trình thủy nông trọng yếu của tỉnh Hà Tĩnh, cũng là một trong những hồ đập lớn nhất Việt Nam. Hồ Kẻ Gỗ là một công trình nhân tạo mang tính chất phục vụ thủy lợi là chính, hồ được xây dựng trên lưu vực của sông Rào Cái ở xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Hồ khởi công xây dựng từ năm 1976 tới năm 1980 hoàn thành các hạng mục chính, đến năm 1983 toàn bộ hệ thống được đưa vào sử dụng.

Hồ là một phần của Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ có trữ lượng 350 triệu m3 nước. Nước từ hồ theo các tuyến kênh chính có chiều dài 250 m, phục vụ tưới tiêu cho hơn 21.000ha đất canh tác của các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và TP Hà Tĩnh; góp phần chống lũ quét, chống xói mòn cho vùng hạ du.

Hồ nằm giữa các sườn đồi, núi thuộc huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, dài gần 30km. Cụm công trình đầu mối gồm 1 đập chính; 3 đập phụ; 1 tràn xả lũ chính, 1 công trình lấy nước, 1 tràn sự cố. Hồ Kẻ Gỗ không có thiết kế xả đáy. Tràn chính (còn gọi là tràn Dốc Miếu) đặt ở eo núi bên trái hồ, cao trình ngưỡng tràn ở + 26,5m. Tràn gồm 2 cửa, mỗi cửa rộng 10m; cột nước tràn lớn nhất là 8,11m; lưu lượng xả lớn nhất 1.360m3/s.

Ám ảnh trận lũ năm 2020

Tháng 10/2020, mưa xối xả, lượng nước từ thượng nguồn đổ về hồ Kẻ Gỗ dồn dập khiến công trình đại thủy nông này phải xả lũ để bảo vệ hồ đập. Thời điểm đó, vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ ngập chìm trong biển nước.

Báo cáo tại kì họp HĐND tỉnh Hà Tĩnh cuối năm 2020, ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ ngày 15 đến 21/10/2020, trên địa bàn Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to, đặc biệt có nơi mưa rất to.... Tại hồ Kẻ Gỗ, tổng lượng mưa từ 7 giờ ngày 15/10 đến 7 giờ ngày 21/10/2020 là 1.249mm, tổng lượng nước đến 280 triệu m3, lưu lượng nước đến hồ lớn nhất là 2.539m3/s.

Hồ Kẻ Gỗ xả lũ bắt đầu từ 13 giờ ngày 18/10/2020 với lưu lượng tăng dần từ 50m3/s lên 200m3/s, lưu lượng xả lớn nhất 1.060m3/s (bằng 41,7% lưu lượng đỉnh lũ là 2.539m3/s). Việc xả lũ với lưu lượng lớn chỉ thực hiện trong vòng 1 giờ đồng hồ. Sau 10 giờ, ngày 19/10, lượng mưa giảm nên việc xả lũ giảm lưu lượng trở lại. Theo ông Việt, việc xả lũ của hồ Kẻ Gỗ theo đúng quy trình được UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành từ năm 2011. Trong đợt mưa này, nước về hồ là 280 triệu m3 và quá trình vận hành xả lũ, hồ đã cắt giảm lũ cho hạ du 200 triệu m3 nước.

Theo Giám đốc Sở NNPTNT Hà Tĩnh, có 4 nguyên nhân gây ngập lụt ở vùng hạ du, do mưa lớn cực đoan, do ảnh hưởng của thủy triều, hệ thống tiêu thoát lũ chưa đáp ứng được yêu cầu và hồ Kẻ Gỗ phải điều tiết xả lũ để đảm bảo an toàn công trình.

Hậu quả của đợt mưa lũ lịch sử tháng 10/2020 hết sức nặng nề. Chỉ riêng huyện Cẩm Xuyên, mưa lũ gây ngập 150 thôn của 19 xã, thị trấn, ảnh hưởng tới cuộc sống của 13.339 hộ dân với 43.028 nhân khẩu của huyện Cẩm Xuyên.

Đặc biệt, 7 xã Cẩm Mỹ, Cẩm Duệ, Cẩm Thành, Cẩm Vịnh, Cẩm Thạch, Cẩm Quang, Cẩm Quan bị ngập sâu và cô lập. Mức ngập bình quân tại các xã vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ là 2,2m, có điểm ngập lên tới 2,5m. Trước tình hình mưa lũ, chính quyền địa phương đã huy động nhiều tàu thuyền, ca-nô di dời 10.900 hộ với 32.700 người ở các vùng ngập sâu, bị cô lập tới nơi an toàn.

Theo thống kê của UBND huyện Cẩm Xuyên, tới 15 giờ ngày 22/10/2020, ước tính thiệt hại do mưa lũ gây ra cho địa phương này là hơn 1.100 tỷ đồng. Trong đó, có 1 người tử vong, 27 người bị thương, gần 11.500 tấn lúa bị cuốn trôi và hơn 400.000 gia súc, gia cầm bị chết.

Báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, mưa lớn cực đoan trong nửa cuối tháng 10/2020 đã gây ngập lụt 118 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thành phố, với 52.604 hộ/167.303 người bị ảnh hưởng, đặc biệt là tại các huyện: Cẩm Xuyên, Thạch Hà và TP Hà Tĩnh (vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ).

Đợt mưa lũ lịch sử này khiến 6 người chết, toàn tỉnh có 52.604 hộ bị ảnh hưởng, với tổng số 167.303 người; 3.765 nhà ở bị thiệt hại và 41.128 nhà bị ngập từ 0,5 - 3m. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 10 nhà bị sập, 349 nhà bị hư hỏng nặng. Hệ thống cơ sở hạ tầng, sản xuất… bị tàn phá, hư hại nghiêm trọng. Tính chung, tổng thiệt hại trên các lĩnh vực của Hà Tĩnh trong 2 đợt lũ lụt năm 2020 ước tính hơn 5.327 tỷ đồng.

Nhớ lại trận lũ lịch sử năm 2020, ông Nguyễn Viết Vỵ (xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên) vẫn chưa nguôi ngoai nỗi vất vả, chật vật của cả gia đình thời điểm đó. “Lũ về bất ngờ trong đêm nên cả gia đình không kịp trở tay, đồ đạc không kịp kê lên nên bị ngâm trong nước hư hỏng hết. Chưa bao giờ gia đình tôi phải chịu cảnh ngập lụt nặng nề như thế. Năm 2020 chưa có cao tốc Bắc - Nam mà đã như thế, giờ nếu mưa lũ như năm đó thì vùng này không biết sẽ thế nào?” - ông Vỵ băn khoăn.

(còn nữa)

HẠNH NGUYÊN-CẨM KỲ