Công bố lượng giá dịch vụ hệ sinh thái rừng ngập mặn Cà Mau và Vườn quốc gia Pù Mát

17/11/2022 18:52
Theo nghiên cứu mới nhất của Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, tổng giá trị kinh tế rừng ngập mặn Cà Mau và Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An) mang lại ước tính lên tới 14.557 tỷ đồng mỗi năm.
Link nguồn bài viết
Công bố lượng giá dịch vụ hệ sinh thái rừng ngập mặn Cà Mau và Vườn quốc gia Pù Mát
https://baomoi.com/cong-bo-luong-gia-dich-vu-he-sinh-thai-rung-ngap-man-ca-mau-va-vuon-quoc-gia-pu-mat/c/44300442.epi
Truy cập link gốc
Ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phát biểu tại lễ công bố.

Chiều ngày 17/11 tại Hà Nội, Viện Chiến lược , Chính sách Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ Đầu tư Dragon Capital Việt Nam tổ chức Lễ công bố nghiên cứu lượng giá dịch vụ hệ sinh thái của rừng ngập mặn Cà Mau và Vườn quốc gia Pù Mát, Nghệ An.

Theo báo cáo, Việt Nam được đánh giá là một nước có đa dạng sinh học cao trên thế giới. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đa dạng sinh học của Việt Nam đang trên đà suy giảm do mất môi trường sống tự nhiên cũng như tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho nông nghiệp, lâm nghiệp và cơ sở hạ tầng.

Ngoài ra, suy thoái môi trường do khai thác quá mức; các loài ngoại lai xâm hại; hỏa hoạn và ô nhiễm môi trường cũng là những tác nhân tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học Việt Nam.

Ông Dominic Scriven OBE, Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam cho biết: “Tình trạng suy giảm đa dạng sinh học hiện đang là những mối đe dọa đối với cộng đồng. Bảo tồn đa dạng sinh học cần nỗ lực của tất cả các bên liên quan, bao gồm các nhà quản lý, các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu và cộng đồng”.

Ông Dominic Scriven OBE, Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam phát biểu tại lễ công bố.

Trong bối cảnh đó, nghiên cứu "Lượng giá dịch vụ hệ sinh thái của rừng ngập mặn tại tỉnh Cà Mau và Vườn quốc gia Pù Mát, tỉnh Nghệ An'' đã được thực hiện nhằm xác định rõ những đóng góp về mặt kinh tế của tài nguyên rừng tại hai địa phương. Thông qua đó, nghiên cứu hướng tới mục tiêu hỗ trợ các nhà hoạch định trong quá trình xây dựng chính sách, lập quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch phát triển ngành cũng như có kế hoạch bảo tồn, khai thác bền vững nguồn tài nguyên rừng.

Phát biểu tại lễ công bố, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh: “Các giá trị dịch vụ hệ sinh thái, giá trị của vốn tự nhiên cần được đánh giá và hạch toán nhằm cung cấp thông tin phục vụ quá trình lập quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội và quy hoạch sử dụng đất”.

Theo các kết quả nghiên cứu được công bố, hệ sinh thái rừng ngập mặn tại Cà Mau và Vườn quốc gia Pù Mát đã đóng góp cả giá trị sử dụng trực tiếp (cung cấp thức ăn, gỗ, củi, du lịch...) lẫn giá trị sử dụng gián tiếp (dịch vụ điều tiết, lưu trữ và hấp thụ các-bon, vẻ đẹp cảnh quan) cũng như giá trị bảo tồn.

Tổng giá trị kinh tế rừng ngập mặn tỉnh Cà Mau mang lại là 1.743,7 tỷ đồng/năm, trong đó giá trị sử dụng trực tiếp là 1.087 tỷ đồng; giá trị sử dụng gián tiếp là 656,1 tỷ đồng/năm. Giá trị hỗ trợ nuôi trồng thủy sản được đánh giá chiếm tỉ trọng lớn nhất, đạt mức 34,3% tổng giá trị kinh tế của các dịch vụ hệ sinh thái đã được lượng giá.

Quang cảnh lễ công bố nghiên cứu.

Tại Nghệ An, tổng giá trị kinh tế Vườn quốc gia Pù Mát mang lại là 12.813,36 tỷ đồng/năm (chưa bao gồm giá trị bảo tồn). Khu vực có tổng giá trị cao nhất tập trung chủ yếu ở vùng lõi của vườn quốc gia, với mức giá trị 75-85 triệu đồng/ha. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, tổng giá trị nhóm dịch vụ cung cấp, dịch vụ văn hóa của Vườn quốc gia đạt mức 90,67 tỷ đồng/năm. Tổng giá trị nhóm dịch vụ điều tiết đạt mức 12.722,7 tỷ đồng.

Cũng trong khuôn khổ sự kiện, các chuyên gia đã giới thiệu và bàn thảo về “Cơ chế tài chính tư nhân cho bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái”, qua đó rà soát các nguồn tài nguyên chính có thể huy động cho bảo tồn đa dạng sinh học và tiềm năng áp dụng cơ chế tín chỉ đa dạng sinh học tại Việt Nam.

SƠN BÁCH