Link nguồn bài viết https://vietnamnet.vn/co-noi-di-200km-moi-co-van-phong-cong-chung-2316462.html
Truy cập link gốc
Chiều 28/8, tại hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách, các đại biểu cho ý kiến góp ý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Trong đó, các đại biểu quan tâm thảo luận mô hình tổ chức của văn phòng công chứng theo loại hình công ty hợp danh hay doanh nghiệp tư nhân.
Mô hình hợp danh không được nhiều công chứng viên lựa chọnĐại biểu Trần Nhật Minh (đoàn Nghệ An) nêu thực tế tại Nghệ An có 39 tổ chức hành nghề công chứng nhưng 6/21 huyện miền núi chưa có tổ chức hành nghề công chứng.
Vì vậy, người dân tại khu vực này khi có nhu cầu công chứng phải di chuyển trên 50km, xa nhất như huyện Kỳ Sơn phải di chuyển 200km mới có văn phòng công chứng.
Đại biểu Minh cho biết, người dân vùng sâu, vùng xa đang gặp khó khăn trong tiếp cận dịch vụ này.
Đại biểu Trần Nhật Minh (đoàn Nghệ An) Đại biểu đoàn Nghệ An cho hay, sau 5 năm thi hành Luật Công chứng năm 2006 (quy định 2 mô hình), cả nước thành lập 487 phòng công chứng, trong đó có 352 phòng công chứng theo mô hình công ty tư nhân (chiếm hơn 70%), 135 văn phòng công chứng hợp danh.
Từ đó, ông cho rằng loại hình văn phòng công chứng hợp danh không được nhiều công chứng viên lựa chọn. Trong khi đó, văn phòng công chứng tư nhân chỉ mất đi khi Luật Công chứng 2014 quy định bỏ loại hình này.
"Bỏ loại hình tư nhân không chỉ hạn chế quyền tự do lựa chọn hình thức của văn phòng công chứng mà còn gây khó khăn trong tổ chức hoạt động. Trong khi đó, công ty hợp danh không phải là loại hình tối ưu của văn phòng công chứng, vì yếu tố hợp danh vẫn có thể phá vỡ khi công chứng viên chết, bãi nhiệm, không tiếp tục hành nghề", đại biểu Minh cảnh báo.
Cần khắc phục tình trạng "hợp danh ảo”Qua thực tế đi khảo sát nhiều địa phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang nêu tình trạng nhiều nơi giải thể phòng công chứng Nhà nước nhưng sau đó không thể thành lập được phòng công chứng tư, đặc biệt là các huyện vùng sâu, vùng xa.
Ông Giang cho biết, tại 2 huyện Sơn Động, Yên Thế (Bắc Giang) hiện nay "trắng" tổ chức hành nghề công chứng. Ông bày tỏ ủng hộ thành lập mô hình văn phòng công chứng là doanh nghiệp tư nhân với 1 công chứng viên.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang. Ảnh: QH“Chúng ta băn khoăn việc 1 công chứng viên hành nghề có đảm bảo tính liên tục hay không, tôi cho rằng việc này không phải vấn đề lớn. Nếu thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, người sử dụng dịch vụ công chứng hoàn toàn có thể đặt lịch và công chứng viên có thể công khai thời điểm cung cấp dịch vụ”, ông Giang phân tích.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) thẳng thắn cho rằng văn phòng công chứng theo loại hình công ty hợp danh là "hợp danh ảo”.
Theo quy định, văn phòng công chứng phải có 2 công chứng viên trở lên, nhưng đại biểu Tạo cho rằng thực tế không như vậy. "Có 8 - 9 văn phòng công chứng thì chỉ cần 12-13 công chứng viên. Công chứng viên ký kết hợp đồng trong 1 thời gian nhất định rồi thiếu chỗ này bù chỗ nọ", ông Tạo nói.
Từ đó, ông Tạo đề nghị dự luật lần này cố gắng khắc phục tình trạng "hợp danh ảo”; cần quy định vùng sâu, vùng xa nên có loại hình doanh nghiệp tư nhân, người đại diện pháp luật - chủ doanh nghiệp đồng thời là công chứng viên, hành nghề công chứng từ đủ 2 năm trở lên chịu trách nhiệm.
Thu Hằng