Chuyên gia tâm lý Đại học Hà Tĩnh phân tích căn nguyên, chỉ cách 'hóa giải' vấn nạn bạo lực học đường

04/12/2022 15:06
Thêm một vụ bạo lực học đường xảy ra trên địa bàn huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) khiến các bậc phụ huynh càng lo lắng, bất an. Tiến sỹ tâm lý học Nguyễn Văn Hòa (Đại học Hà Tĩnh) đã phân tích những căn nguyên, chỉ ra cách 'hóa giải' nạn bạo lực học đường hiện nay.
Link nguồn bài viết
https://baohatinh.vn/xa-hoi/chuyen-gia-tam-ly-dai-hoc-ha-tinh-phan-tich-can-nguyen-chi-cach-hoa-giai-van-nan-bao-luc-hoc-duong/241162.htm
Truy cập link gốc
Em Đ.T.N đang được điều trị, theo dõi vết thương tại bệnh viện.

Vào khoảng 21h ngày 28/11/2022, trên đường đi học thêm về, em Đ.T.N (học sinh lớp 11 Trường THPT Cao Thắng - huyện Hương Sơn) bị em L.T.A (cùng trường) và một nhóm nữ sinh vây đánh hội đồng.

Được người dân can ngăn, nhóm nữ sinh tạm dừng để nói chuyện nhằm giải quyết mâu thuẫn. Tuy nhiên, sau đó, em A. và em N. tiếp tục đánh nhau. Hậu quả, em N. bị xây xước, bầm dập cơ thể, mắt trái tụ máu; em A. cũng bị thương.

Thầy Trần Đình Chiến - Hiệu trưởng Trường THPT Cao Thắng cho biết: “Hiện em N. và em A. đang điều trị, theo dõi vết thương tại bệnh viện. Nhà trường đang phối hợp với Công an huyện Hương Sơn điều tra nguyên nhân, giải quyết vụ việc, đồng thời, động viên để các em sớm ổn định tinh thần”.

Nhiều vụ bạo lực học đường nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn Hà Tĩnh thời gian gần đây.

Trước đó, trên địa bàn huyện Hương Sơn, Thạch Hà, TP Hà Tĩnh... cũng đã xảy ra rất nhiều vụ bạo lực học đường nghiêm trọng. Trong đó, điển hình là vụ em N.T.T (học sinh lớp 12G Trường THPT Lý Chính Thắng - huyện Hương Sơn) trên đường đi học về thì bị em P.Q.M - học sinh lớp 11G cùng trường đâm tử vong; vụ em C.T.T.H (học sinh lớp 11 Trường THPT Lê Hữu Trác - huyện Hương Sơn) bị khởi tố với tội danh “Làm nhục người khác” khi đánh, lột quần áo một bạn nữ cùng trường...

Bạo lực học đường từ lâu đã là một vấn nạn nan giải đối với các nhà trường, phụ huynh và học sinh của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Những vụ việc gần đây ở Hà Tĩnh cho thấy bạo lực học đường không còn dừng lại ở chuyện “trẻ con đánh nhau” nữa mà đã dẫn đến những hậu quả hết sức nghiệm trọng, thậm chí là án mạng.

Qua các vụ việc có thể thấy rằng, đã đến lúc cần gióng lên hồi chuông cảnh báo về nạn bạo lực học đường và trách nhiệm của gia đình, xã hội trong việc giáo dục, định hướng nhân cách cho trẻ.

Tiến sỹ tâm lý học Nguyễn Văn Hòa - giảng viên Trường Đại học Hà Tĩnh chia sẻ những vấn đề liên quan đến bạo lực học đường.

Tiến sỹ tâm lý học Nguyễn Văn Hòa - giảng viên Trường Đại học Hà Tĩnh cho rằng: các vụ bạo lực học đường thường xuất phát từ những xích mích nhỏ trong quá trình học tập, các mối quan hệ hàng ngày của các em. Căn nguyên của vấn đề là sự thay đổi về tâm sinh lý của lứa tuổi, cộng với sự hạn chế về khả năng kết nối cộng đồng, kỹ năng xử lý tình huống, xung đột.

“Trẻ được tiếp xúc với môi trường công nghệ, với thế giới ảo nhiều khiến cho sự kết nối với thế giới thực bị hạn chế. Từ đó, ảnh hưởng đến kỹ năng giao tiếp, chia sẻ với những người xung quanh; trẻ dễ nổi nóng, khó kiểm soát cảm xúc nên thường xảy ra xung đột với bạn bè. Những xung đột này khi không được hóa giải kịp thời, lâu dần sẽ dồn nén và gây ra những hậu quả nghiêm trọng” - Tiến sỹ Hòa phân tích.

Phụ huynh, thầy cô giáo cần lắng nghe, làm bạn cùng trẻ, đặc biệt là trẻ ở lứa tuổi dậy thì.

Theo Tiến sỹ Hòa: để góp phần “hóa giải” những xung đột, ngăn chặn nguy cơ bạo lực học đường thì vai trò lắng nghe, chia sẻ, thấu hiểu của phụ huynh, thầy cô giáo là quan trọng nhất. Trẻ ở mỗi lứa tuổi đều có những biểu hiện, giai đoạn “khủng hoảng” tâm lý khác nhau, nhưng riêng lứa tuổi dậy thì rất dễ rơi vào một dạng khủng hoảng là “trưởng thành non”.

Đó là khi tâm sinh lý chưa hoàn thiện, kinh nghiệm sống chưa nhiều nhưng nhu cầu thể hiện bản thân, khẳng định cá tính lại rất lớn. Trẻ gặp nhiều vấn đề khó xử trong cuộc sống, trong mối quan hệ với bạn bè, thầy cô nhưng lại không dễ dàng chia sẻ, tìm kiếm lời khuyên từ người lớn.

Cần xây dựng nhiều mô hình trường học hạnh phúc, tình bạn đẹp để rèn luyện lối sống tích cực cho học sinh.

“Vì bận rộn, vì tính cách nóng nảy, nhiều bậc phụ huynh, thầy cô không đủ kiên nhẫn và có tư tưởng áp đặt với trẻ. Giai đoạn này, người lớn cần phải học kỹ năng lắng nghe, đặt mình vào vị trí của trẻ để nói chuyện như những “người bạn” thì trẻ mới mở lòng, chia sẻ khúc mắc. Khi hiểu được tâm tư của trẻ thì chúng ta mới đưa ra được lời khuyên, kịp thời can thiệp giải quyết những mâu thuẫn, ngăn chặn nguy cơ tiềm ẩn của các vụ bạo lực.

Bên cạnh đó, để hạn chế, ngăn chặn bạo lực học đường cũng cần sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể trong việc tạo lập sân chơi lành mạnh, hướng đến xây dựng môi trường học an toàn, thân thiện để giúp trẻ hình thành nhân cách, lối sống tốt đẹp", Tiến sỹ Hòa chia sẻ.

Minh Khánh