Chuyển đổi số Nghệ An - Bài 2: 'Phủ xanh' định danh điện tử, giảm tối đa giao dịch hành chính

09/10/2024 09:16
Đề án 06 là một trong những 'điểm sáng' của chuyển đổi số trong hơn 2 năm qua ở Nghệ An. Qua đó, góp phần thay đổi phương thức quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý công dân.
Link nguồn bài viết
https://nguoiduatin.vn/chuyen-doi-so-nghe-an-bai-2-phu-xanh-dinh-danh-dien-tu-giam-toi-da-giao-dich-hanh-chinh-204241006170501023.htm
Truy cập link gốc


"Đi từng ngõ, gõ từng nhà" kích hoạt định danh điện tử

Ngày 3/10, Công an huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 2 năm triển khai mô hình "24 giờ trải nghiệm". Trong đó, một trong những kết quả ấn tượng nhất của các chiến sĩ là hướng dẫn, kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 1 cho hơn 4.500 người dân.

Để đạt được điều đó, các chiến sĩ Công an huyện Quỳ Hợp đã tích cực "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để tuyên truyền, phát hơn 4.000 tờ rơi, dán 30 pano, áp phích; phối hợp truyền thanh xã phát hơn 400 lượt tin bài tuyên truyền về việc triển khai thực hiện Đề án 06, cấp CCCD, kích hoạt định danh điện tử.

Lực lượng Công an Nghệ An đã chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án 06.

Trung tá Ngô Anh Tuấn, Trưởng Công an huyện cho biết, Quỳ Hợp là một huyện miền núi phía Tây Bắc của tỉnh Nghệ An, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 53,6%; có rất nhiều hộ gia đình chính sách, có hoàn cảnh khó khăn cần được quan tâm, giúp đỡ để ổn định cuộc sống.

Vì vậy, với vai trò tiên phong, thường trực thực hiện Đề án 06 của Chính phủ tại địa phương, Công an huyện Quỳ Hợp đã tập trung lực lượng hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Đặc biệt, trong năm 2023, Công an Quỳ Hợp hoàn thành đạt và vượt tiến độ cấp CCCD trong triển khai chiến dịch "Cao điểm 70 ngày đêm cấp CCCD", đặc biệt đã hoàn thành xuất sắc việc kích hoạt tài khoản định danh điện tử (đạt 109,03%), là đơn vị cấp huyện "về đích" thứ nhất toàn tỉnh, được Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An biểu dương.

Nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ với chiến dịch "Cao điểm 70 ngày đêm cấp CCCD".

Đại tá Lương Thế Lộc, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Nghệ An cho biết, Đề án 06 của Chính phủ là bước đột phá lớn trong cải cách hành chính. Đề án đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, với vai trò nòng cốt là lực lượng Công an Nghệ An tham gia triển khai thực hiện.

Lực lượng công an cũng triển khai mô hình tuyên truyền, hướng dẫn cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử và thực hiện dịch vụ công tại Phố đi bộ ở trung tâm thành phố Vinh vào các tối Thứ Sáu, Thứ Bảy hàng tuần.

Xây dựng trên 500 mô hình điểm triển khai dịch vụ công, hướng dẫn người dân cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử tại các Bộ phận Một cửa từ Công an tỉnh đến Công an cấp huyện, cấp xã.

Quyết tâm cao với tinh thần “hết việc, không hết giờ” của toàn lực lượng công an.

Thực tế, sau 2 năm triển khai đã thấy được những lợi ích mà Đề án 06 mang lại. Đề án 06 đã tác động thay đổi lớn về phương thức giao dịch giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và người dân.

Các quy trình, thủ tục hành chính được công khai, minh bạch, hạn chế việc tiếp xúc giữa cán bộ với người dân, doanh nghiệp trong giao dịch thủ tục hành chính, phòng tránh tiêu cực trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.

Nỗ lực tháo gỡ khó khăn để hoàn thành Đề án 06

Năm 2024, UBND tỉnh Nghệ An tập trung triển khai ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ công cuộc chuyển đổi số với chủ đề "Hoàn thiện thể chế, hạ tầng, số hóa dữ liệu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đẩy mạnh triển khai Đề án 06/CP phục vụ hiệu quả người dân, doanh nghiệp".

Nghệ An là 1 trong 14 địa phương trên cả nước hoàn thành sớm nhất việc kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh.

Xác định Đề án 06, là đề án đặc biệt quan trọng của Chính phủ, có phạm vi và tầm ảnh hưởng rộng lớn tới đa ngành, đa lĩnh vực và tới tất cả các địa phương từ cấp tỉnh đến cấp xã, vì thế, Tổ công tác triển khai Đề án 06 của tỉnh Nghệ An đã tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh, Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị để thực hiện.

Trong đó, công tác tuyên truyền bằng nhiều cách vẫn được ưu tiên hàng đầu trong triển khai Đề án 06. Cùng với đó là thực hiện hiệu quả việc ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt việc "làm sạch" dữ liệu và bảo đảm dữ liệu luôn "đúng, đủ, sạch, sống". Đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06/CP, nhất là tại cấp xã.

Bên cạnh đó, tỉnh Nghệ An cũng quan tâm đến công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức nâng cao kỹ năng số, kỹ năng bảo mật thông tin trên môi trường mạng, thành thạo sử dụng công nghệ thông tin, nghiệp vụ phục vụ cho yêu cầu công việc và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến…

Trong tháng 8/2024, toàn tỉnh đã tiếp nhận trực tuyến và giải quyết 172.651/176.752 hồ sơ, đạt 97,68% (tăng 7,82% so với tháng 7). Trên địa bàn toàn tỉnh có 531/531 (đạt 100%) cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) đã thực hiện việc sử dụng thẻ Căn cước thay thế BHYT trong khám chữa bệnh.

Ngoài ra, 460 xã, phường, thị trấn đã sử dụng 460 thiết bị đọc mã QR Code đa chiều phục vụ hiệu quả khám chữa bệnh BHYT bằng thẻ Căn cước gắn chíp.

Về công tác cấp Căn cước gắn chíp điện tử; thu nhận hồ sơ định danh điện tử và triển khai các tiện ích trên VneID đã được triển khai đồng bộ và hiệu quả. Tính đến ngày 15/8/2024, toàn tỉnh đã cấp 2.853.042 Căn cước và kích hoạt được 1.984.207 hồ sơ định danh điện tử.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng Nghệ An quyết tâm "chỉ bàn làm, không bàn lùi, khó mấy cũng phải làm".

Trong cuộc họp mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh nhấn mạnh, Đề án 06 của Chính phủ là đề án đặc biệt quan trọng, song có rất nhiều nội dung, nhiệm vụ với khối lượng công việc khó, mới.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết việc thực hiện các nội dung, nhiệm vụ trong Đề án 06 là yêu cầu bắt buộc. Vì vậy, các sở, ngành, đơn vị, địa phương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án 06 theo đúng lộ trình, đặc biệt là hoàn thành những chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2024 và 38 mô hình điểm đã đăng ký.

Thời gian tới, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện tiếp tục quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong triển khai Đề án 06/CP; thống nhất nhận thức, đảm bảo nguyên tắc "5 vấn đề - 4 xuyên suốt - 3 giá trị - 2 mục tiêu - 1 quyết tâm", trên tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi, khó mấy cũng phải làm".

Quyết liệt triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06, trong đó, tập trung triển khai các giải pháp nâng cao tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến và số hóa hồ sơ, đảm bảo chỉ tiêu, kết quả tháng sau cao hơn tháng trước; triển khai hiệu quả Nghị định của Chính phủ quy định việc thực hiện liên thông điện tử 02 nhóm thủ tục hành chính.

Với sự chỉ đạo xuyên suốt, cùng sự chung tay vào cuộc quyết liệt, phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, các tầng lớp nhân dân, việc triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Nghệ An sẽ về đích đúng tiến độ, đảm bảo các mục tiêu đề ra, trở thành một trong những địa phương đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số của cả nước.

Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06). Sau hơn 2 năm, Nghệ An là 1 trong 14 địa phương trên cả nước hoàn thành sớm nhất việc kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh.

Chuyển đổi số Nghệ An - Kỳ 3: Gỡ khó cho sản phẩm OCOP bằng phát triển thương mại điện tử

Nguyễn Anh Ngọc