Chương trình 'Bản xa không lạnh' đến với học sinh vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ

10/01/2022 19:51
Vượt đường xa vào vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, đại diện Báo Giáo dục và Thời đại cùng nhà tài trợ tặng áo ấm, quà hỗ trợ đến học sinh dân tộc thiểu số Trường Tiểu học Hữu Khuông, Tương Dương, Nghệ An.
Link nguồn bài viết
https://giaoducthoidai.vn/nhan-ai/chuong-trinh-ban-xa-khong-lanh-den-voi-hoc-sinh-vung-long-ho-thuy-dien-ban-ve-lEEfbGJ7g.html
Truy cập link gốc
GD&TĐ - Vượt đường xa vào vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, đại diện Báo Giáo dục và Thời đại cùng nhà tài trợ tặng áo ấm, quà hỗ trợ đến học sinh dân tộc thiểu số Trường Tiểu học Hữu Khuông, Tương Dương, Nghệ An.

Báo GD&TĐ cùng với các nhà tài trợ, hảo tâm đã chức chương trình "Bản xa không lạnh" đến học sinh Trường Tiểu học Hữu Khuông, Tương Dương, Nghệ An.

Ngày 10/1, Báo Giáo dục và Thời đại khu vực Miền Trung – Tây Nguyên cùng với các nhà tài trợ, hảo tâm đã tổ chức chương trình trao quà cho học sinh Trường Tiểu học Hữu Khuông (huyện Tương Dương, Nghệ An).

Cùng dự chương trình có đại diện Sở GD&ĐT Nghệ An, Phòng GD&ĐT huyện Tương Dương, lãnh đạo xã Hữu Khuông cùng giáo viên, học sinh, phụ huynh trên địa bàn.

Đây là hoạt động nằm trong chương trình “Bản xa không lạnh” do Văn phòng Báo GD&TĐ khởi xướng, triển khai. Chương trình hướng đến học sinh dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, còn gặp nhiều thiếu thốn, thiệt thòi ở rẻo cao miền Trung.

Chương trình "Bản xa không lạnh" đến với học sinh dân tộc thiểu số xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương, Nghệ An.

Tại Nghệ An, chương trình đến với các em học sinh Trường Tiểu học Hữu Khuông, huyện miền núi cao Tương Dương – cách TP Vinh gần 300km cả đường bộ lẫn đường thủy.

Đây là xã ốc đảo duy nhất của huyện, nằm biệt lập trong lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, giao thông bất lợi, cực kỳ khó khăn. Từ trung tâm huyện, để vào được Hữu Khuông chưa có đường bộ hoàn toàn, mà phải đi thuyền 2 -3 tiếng trên hồ thủy điện tùy mực nước. Chưa kể giữa các bản, đường đi cũng hiểm trở, xa cách.

Nhà báo Nguyễn Văn Dũng - Trưởng đại diện Văn phòng Báo Giáo dục và Thời đại khu vực miền Trung - Tây Nguyên bày tỏ sự xúc động trước những khó khăn thiếu thốn của thầy trò trường vùng lòng hồ Bản Vẽ.

Theo thầy Nguyễn Tuyên Huấn – Hiệu Trưởng Trường Tiểu học Hữu Khuông, do địa hình đặc biệt như vậy, trước đây, trường có tất cả 7 điểm bản. Những năm qua, nhà trường tích cực vận động, thực hiện dồn dịch, gom nhóm học sinh một số bản về trường chính để ăn ở bán trú. Mục đích nhằm tập trung nguồn lực, hạn chế tình trạng trường lớp mạnh mún, nâng cao chất lượng dạy học.

Đường vào xã Hữu Khuông đi theo đường lòng hồ thủy điện Bản vẽ

Các em về ăn ở bán trú tại trường không chỉ học tập mà còn được thầy cô chăm lo ăn uống đảm bảo dinh dưỡng, rèn luyện kỹ năng sinh hoạt tập thể, vệ sinh giao tiếp... Đồng thời tăng cường Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số.

Nụ cười hôn nhiên của những đứa trẻ còn nhiều vất vả ở xã ốc đảo Hữu Khuông, Tương Dương, Nghệ An.

Ngoài trợ cấp theo Nghị định 116 của Chính phủ cho học sinh bán trú, toàn bộ việc chăm lo cho các em từ chỗ ăn ở, vệ sinh, quản lý đều do thầy cô ở lại cắm bản đảm nhận, như là cha mẹ thứ 2.

Tuy nhiên, hiện trường vẫn còn 4 cơ sở, gồm điểm chính tại bản Pủng Bón và 3 điểm lẻ tại bản Tủng Hốc, Chà Lâng, bản Xàn. Trong đó, xa nhất là điểm lẻ Chà Lâng – bản người Mông cách trường chính hơn 15km nhưng mất hơn 1 giờ chạy xe máy, do đường đèo dốc đá hiểm trở.

Nhiều em nhỏ chỉ có duy nhất chiếc áo mặc trong suốt cả mùa đông.

Hữu Khuông là xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo lớn, vì vậy học sinh đến trường cũng rất vất vả, thiếu thốn. “Nhiều học sinh ở trường mùa hè hay mùa đông cũng chỉ mặc 1 chiếc áo đi học. Bộ quần áo mới tươm tất đi học đối với các em đã là cả niềm ước ao”, thầy Huấn chia sẻ.

Một góc bản Pủng Bón, xã Hữu Khuông nằm lọt giữa núi rừng.

Chia sẻ với học sinh, giáo viên và phụ huynh vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, nhà báo Nguyễn Văn Dũng cũng cho hay: Báo Giáo dục và Thời đại ngoài thực hiện tôn chỉ mục đích, thông tin tuyên truyền, là diễn đàn vì sự nghiệp giáo dục toàn dân thì còn có hoạt động công tác xã hội, hướng đến học sinh, giáo viên, các nhà trường. Đối với văn phòng Giáo dục và Thời đại khu vực Miền Trung – Tây Nguyên, ngoài hoạt động chuyên môn, còn kết nối nguồn lực để hỗ trợ, giúp đỡ ngành giáo dục vùng khó.

Đại diện Báo Giáo dục và Thời đại kết nối với nhà tài trợ tặng quà hỗ trợ Trường Tiểu học Hữu Khuông tổ chức bán trú cho học sinh.

Dịp này, chương trình “Bản xa không lạnh” tặng gần 300 áo ấm đồng phục (hơn 35 triệu đồng) cho toàn bộ học sinh Trường Tiểu học Hữu Khuông. Đồng thời hỗ trợ nhà trường 20 triệu đồng để tổ chức bán trú cho học sinh bản xa được đưa về trường chính. Tổng trị giá quà tặng hơn 55 triệu đồng.

Bến thuyền tại bản Pủng Bón, xã Hữu Khuông, Tương Dương, Nghệ An. Nhiều người dân dựng chòi trên lòng hồ để mưu sinh.

Đại diện Văn phòng Báo GD&TĐ mong muốn những món quà từ các tấm lòng hảo tâm, vượt đường xa, đến vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ sẽ đưa thêm một niềm vui, góp thêm một hơi ấm, chia sẻ bớt khó khăn cho học sinh nhà trường. Trong thời thời gian, Văn phòng sẽ tiếp tục kêu gọi, kết nối nguồn lực để đưa thêm nhiều sự hỗ trợ cho học sinh vùng khó Hữu Khuông nói riêng và các vùng còn vất vả, gian nan khác trên địa bàn nói chung.

Chương trình trao áo ấm cho toàn bộ học sinh Trường Tiểu học Hữu Khuông.

Thầy Thái Bình Dương - chuyên viên Sở GD&ĐT Nghệ An đồng hành cùng chương trình, đem quà tặng đến học sinh.

Gần 300 áo ấm đồng phục được tặng cho toàn bộ học sinh Tiểu học Hữu Khuông.

Nhà tài trợ đồng hành cùng chương tình "Bản xa không lạnh"

Những chiếc áo ấm được trao tận tay học sinh, góp thêm hơi ấm, thêm một niềm vui đến trẻ dân tộc thiểu số.

Áo ấm đồng phục mới đến với học sinh Trường Tiểu học Hữu Khuông giữa mùa đông lạnh.

Học sinh Hữu Khuông chụp ảnh lưu niệm cùng với đoàn trao quà.

Nét hồn nhiên, vui tươi của những đứa trẻ dân tộc thiểu số khi có áo đồng phục mới.

Thay mặt cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh, thầy Nguyễn Tuyên Huấn –Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hữu Khuông chân thành cảm ơn đại diện Báo Giáo dục và Thời đại. Đây là nguồn động viên, quan tâm, khích lệ tinh thần cho các em học sinh vượt qua mùa đông lạnh, giúp nhà trường thêm động lực, phấn khởi trong dịp năm học mới.