Chủ động các phương án ứng phó bão số 3

06/09/2024 10:38
Bão số 3 đã mạnh lên thành siêu bão, được dự báo có cường độ rất mạnh, mức độ rủi ro thiên tai lớn, diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, BĐBP các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Nghệ An đã chủ động các phương án để phòng, chống và ứng phó với phương châm 'bốn tại chỗ', tuyệt đối không chủ quan, lơ là.
Link nguồn bài viết
https://bienphong.com.vn/chu-dong-cac-phuong-an-ung-pho-bao-so-3-post480357.html
Truy cập link gốc
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Kim Sơn, BĐBP Ninh Bình tuyên truyền, vận động các ngư dân, các hộ nuôi trồng thủy, hải sản vào nơi tránh trú bão an toàn. Ảnh: Quốc Việt

Theo đó, Bộ Chỉ huy BĐBP Ninh Bình đã chỉ đạo các đơn vị thường xuyên theo dõi diễn biến của bão, chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phù hợp và phối hợp với chính quyền địa phương trên địa bàn đơn vị đóng quân thông báo cho các chủ phương tiện tàu thuyền biết diễn biến của bão để ứng phó. Các đơn vị duy trì quân số, phương tiện ứng trực theo quy định; sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra. Đồng thời, tập trung thống kê, kiểm đếm, kêu gọi các phương tiện hoạt động trên biển về nơi tránh trú an toàn.

Đến 9 giờ ngày 5/9, BĐBP tỉnh đã thông báo cho 119 phương tiện/ 267 thuyền viên và 218 lều chòi/ 374 lao động nuôi trồng thủy, hải sản ngoài đê Bình Minh 3 ra đảo Cồn Nổi biết về diễn biến của bão để chủ động phòng tránh; tiếp tục triển khai, kiểm tra việc chằng chống kho tàng, nhà cửa; rà soát các phương án phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn, sẵn sàng xử lí các tình huống trong mưa bão; thực hiện nghiêm công tác chỉ đạo của cấp trên và địa phương, thường xuyên cập nhật theo dõi hướng di chuyển của bão số 3 để chủ động, kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Hải Thịnh, BĐBP Nam Định hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tàu thuyền cho ngư dân. Ảnh: Minh Khôi

Để chủ động các phương án phòng, chống bão số 3, lúc 20 giờ ngày 4/9, Bộ Chỉ huy BĐBP Nam Định đã tổ chức họp khẩn để triển khai công tác phòng chống và ứng phó. Sáng 5/9, Bộ Chỉ huy BĐBP Nam Định đã thành lập 3 đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng, chống bão ở các đơn vị cơ sở, nhất là việc thông báo, kêu gọi phương tiện, tàu cá của ngư dân đang hoạt động trên biển nhanh chóng vào nơi tránh trú an toàn; tổ chức lực lượng nắm, kiểm đếm, thống kê người, phương tiện đang hoạt động trên biển...

BĐBP Nam Định đã tổ chức 4 điểm bắn pháo hiệu theo quy định, duy trì 5 đài canh trực 24/24 giờ, giữ thông tin liên lạc với tàu cá của ngư dân đang hoạt động trên biển. Các đơn vị thuộc BĐBP Nam Định đã phối hợp thông báo, kêu gọi 1.714 tàu thuyền, với 5.287 ngư dân đang hoạt động trên biển. Đồng thời, 20 tổ công tác đã được tăng cường xuống các địa bàn trọng điểm, phối hợp với địa phương, hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu thuyền, chằng chống nhà cửa, chuẩn bị các phương án sẵn sàng di dời nhân dân ở các khu vực trọng điểm khi có chỉ đạo.

Tính đến 17 giờ ngày 5/9, các đơn vị BĐBP Nam Định đã sắp xếp neo đậu tại bến trên địa bàn tỉnh Nam định là 1.569 phương tiện/ 4.842 ngư dân. Có 230 phương tiện/ 695 ngư dân ngoại tỉnh đang neo đậu tại các bến trong địa bàn và 692 lao động ở 622 lều, chòi ven biển biết về tình hình bão để chủ động vào nơi tránh trú an toàn.

Đến 7 giờ 30 phút ngày 6/9, BĐBP tỉnh đã kêu gọi 100% tàu thuyền đánh bắt xa bờ, gần bờ và ngư dân trên các lều chòi vào nơi tránh trú bão an toàn. Đồng thời, BĐBP tỉnh đã chỉ đạo cho các đơn vị tăng cường lực lượng tuần tra trên các khu vực trọng điểm, tuyến đê xung yếu để kịp thời phát hiện và xử lý các tình huống xảy ra, không để bị động bất ngờ.

Phương tiện của ngư dân Nghệ An về neo đậu an toàn tại bến. Ảnh: Lê Thạch

Ngày 5/9, UBND tỉnh Nghệ An có công điện khẩn gửi cơ quan chức năng và các địa phương về việc cấm tàu thuyền ra khơi trong bão số 3. Theo đó, cấm các loại tàu thuyền ra khơi và phương tiện vận tải ra khơi kể từ 5 giờ ngày 6/9 đến khi kết thúc bão. Các tàu thuyền đang hoạt động trên biển phải về bờ neo đậu để bảo đảm an toàn trước 16 giờ ngày 6/9.

Các địa phương và lực lượng chức năng sử dụng mọi phương tiện, bằng mọi biện pháp thông báo cho tàu thuyền trên biển biết diễn biến của bão, hướng dẫn, kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm; hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại nơi tránh trú (bao gồm cả tàu du lịch, tàu vận tải); tổ chức di dời, neo đậu lồng bè nuôi trồng thủy sản, nhà nổi đảm bảo an toàn.

Theo thống kê, toàn tỉnh Nghệ An có 2.833 phương tiện với 13.638 lao động. Tính đến 17 giờ ngày 5/9, có 2.299 phương tiện /10.670 lao động neo đậu tại bến; 161 phương tiện /914 lao động neo đậu bến ngoại tỉnh; còn 534 phương tiện /2.968 lao động hoạt động trên biển (đang trên đường cơ động tránh trú bão); không có phương tiện hoạt động trong vùng nguy hiểm. Tất cả các phương tiện đang hoạt động trên biển đã nhận được thông báo về vị trí, hướng đi của bão số 3.

Hà Phương (tổng hợp)