Link nguồn bài viết https://tienphong.vn/chang-ky-su-bo-viec-ve-que-dung-trang-trai-nuoi-chon-huong-tien-ti-post1682398.tpo
Truy cập link gốc
Video chàng kỹ sư bỏ công việc về xây dựng trang trại nuôi chồn hương lớn nhất tỉnh Nghệ An. Trang trại nuôi chồn hương của anh Vũ Văn Cử (xã Xuân Lam, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) có quy mô hơn 500 con chồn hương sinh sản. Đây được xem là một trong những trang trại nuôi chồn hương sinh sản có quy mô lớn nhất tỉnh Nghệ An. Ít ai biết rằng, anh Cử từng là kỹ sư xây dựng với mức lương 25 triệu đồng/1 tháng. Tuy nhiên, bỏ qua công việc nhiều người mơ ước, anh Cử quyết tâm về quê xây dựng trang trại và làm giàu từ việc nuôi chồn.
Sau nhiều năm gây dựng, trang trại của anh Cử là một trong những trang trại nuôi chồn hương sinh sản lớn nhất tỉnh. Anh Cử chia sẻ, mối duyên đến với nghề nuôi chồn hương bắt đầu từ quãng thời gian làm việc tại miền Nam. Thời điểm đó, anh Cử công tác gần các trang trại, thấy mô hình nuôi chồn hương dễ làm, dễ chăm lại phù hợp với điều kiện khí hậu ở quê nên anh bắt đầu nuôi ý định học hỏi để mở mô hình cho riêng mình.
Sau nhiều năm học tập kinh nghiệm, đến năm 2019, chàng kỹ sư xây dựng chính thức bỏ công việc kỹ sư rồi về quê lập nghiệp. “Ngày ý định bỏ việc, gia đình, người thân can ngăn nhưng tôi vẫn quyết tâm làm. Về quê, tôi bỏ ra hơn 300 triệu để xây dựng chuồng trại, mua giống. Ban đầu tôi chỉ nuôi 5 cặp chồn hương sinh sản để thử nghiệm. Khi chồn phát triển ổn định, tôi mới nhân rộng, nuôi số lượng nhiều hơn”, anh Cử nói.
Những con chồn được anh Cử nuôi khép kín và sinh sản rất nhiều, mang lại kinh tế lớn. Thời gian đầu chưa có thu nhập từ chồn hương, anh Cử làm thêm thầu xây dựng ở quê để có thêm kinh phí duy trì cuộc sống và phát triển mô hình. Từ những ngày đầu mô hình nhỏ lẻ, đến nay anh Cử đã có 2 khu chuồng trại ở Xuân Lam (Hưng Nguyên) và Nghi Kiều (huyện Nghi Lộc) với quy mô 500 con chồn hương sinh sản và 200 con thương phẩm.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi chồn hương, anh Cử cho biết điều quan trọng nhất là hệ thống chuồng trại phải luôn sạch sẽ. Người nuôi phải am hiểu đặc tính của loài, để có cách chăm sóc phù hợp. “Nuôi chồn hương, kỹ thuật không quá khó, không ô nhiễm môi trường nên nuôi được trong khu dân cư. Chuồng nuôi chồn hương mình làm theo dạng lồng sắt cao 80cm, rộng 60cm. Lồng sắt được bố trí trên giá đỡ cách nền khoảng 1m để thông thoáng, tránh ẩm thấp và tiện vệ sinh chuồng trại”, anh Cử chia sẻ.
Anh Cử chia sẻ, nuôi chồn hương không khó, nguồn thức ăn dễ kiếm, chi phí ít. Để chồn hương phát triển ổn định và dễ dàng theo dõi chăm sóc, anh Cử lắp đặt máy đo nhiệt độ, quạt trần, quạt thông gió và hệ thống tản nhiệt trong khu chuồng để đảm bảo thoáng mát vào mùa hè, ấp áp vào mùa đông. Ngoài ra, hệ thống nước uống cho chồn cũng được anh Cử lọc sạch sẽ để hạn chế tình trạng nhiễm bệnh.
Thức ăn của chồn hương chủ yếu là những loại dễ tìm, dễ mua và giá thành rẻ. Trung bình mỗi ngày, chi phí thức ăn cho chồn hương khoảng 2.000 đến 3.000 đồng/con. Trong đó chủ yếu là chuối chín, tôm, cá, cua đồng, cháo cá, cháo cổ cánh gà. Tùy vào giai đoạn chồn bé hay lớn, mỗi ngày anh Cử chỉ cho chồn ăn 1 bữa chính vào các buổi chiều hoặc tăng thêm.
Thời gian qua anh Cử đã chia sẻ kinh nghiệm và cấp giống cho nhiều người đến học tập. "Nếu chồn phát triển ổn định, mỗi năm chồn mẹ có thể sinh sản 2 lứa, mỗi lứa từ 3 đến 6 con. Chồn giống được nuôi 4 tháng là có thể xuất chuồng bán với giá 14 triệu đồng/cặp. Riêng chồn hương thương phẩm có giá dao động từ 1,5 đến 1,9 triệu đồng/kg, tùy theo trọng lượng. Thời gian qua người dân trong ngoài huyện đến trang trại của tôi để học hỏi rất nhiều. Tôi sẵn sàng cung cấp giống và tận tình hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho người dân có nhu cầu nhân rộng mô hình này”, anh Cử nói.
Ngọc Tú