Cánh đồng lớn, sản xuất lớn ở Hà Tĩnh

13/01/2023 08:52
Với người nông dân Hà Tĩnh, mùa xuân có lẽ đã đến từ những ngày tháng bà con khấp khởi ra đồng cùng máy xúc, máy cày phá bờ vùng, bờ thửa, chuyển đổi, tích tụ ruộng đất. Hấp thụ nhiều chính sách hỗ trợ, những cánh đồng lớn đang 'thành hình, nên dạng', mở ra cho nền nông nghiệp bước phát triển mới.
Link nguồn bài viết
https://baohatinh.vn/nong-nghiep/canh-dong-lon-san-xuat-lon-o-ha-tinh/243060.htm
Truy cập link gốc
Thu hoạch lúa vụ xuân 2022 trên cánh đồng lớn của huyện Đức Thọ.

“Khúc hoan ca” trên những cánh đồng

Từ những ngày cuối tháng 10/2022, không khí ra quân phá bờ vùng, bờ thửa, tập trung ruộng đất đã rộn ràng khắp các vùng sản xuất lúa ở huyện Kỳ Anh. Vụ xuân 2023, huyện chỉ đạo các xã dồn điền đổi thửa, tập trung ruộng đất với tổng diện tích khoảng 301,2 ha tại các xã: Kỳ Bắc, Kỳ Phong, Kỳ Giang, Kỳ Xuân, Kỳ Phú, Kỳ Văn, Kỳ Tiến...

Ông Cao Đình Trường - Trưởng thôn Nam Tiến (xã Kỳ Bắc) vui mừng chia sẻ: “Sau đợt chuyển đổi lần này, toàn thôn chỉ còn 38 thửa, cả cánh đồng được quy hoạch đâu vào đấy, máy cày chạy băng băng, tiến hành xuống giống đồng nhất, 1 thời vụ”.

Huyện Can Lộc ra quân thực hiện phá bờ vùng, bờ thửa, chuyển đổi ruộng đất cho vụ xuân 2023.

Ông Nguyễn Bá Toàn - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kỳ Anh cho biết: “Với cách làm bài bản, sự thống nhất cao của Nhân dân, từ 51,8 ha được dồn điền đổi thửa triệt để tại thôn Hòa Hợp (xã Kỳ Văn) trong vụ xuân 2022, năm nay, các xã đã tiếp tục đăng ký thực hiện chủ trương với trên 1.000 ha vào thời gian tới.

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, từ năm 2022, việc triển khai xây dựng cánh đồng lớn có nhiều bước đột phá, phát triển theo hướng chuyển đổi, quy hoạch bài bản vùng trồng gắn với cấp lại chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, giảm số thửa trên diện tích và đảm bảo mỗi hộ hoặc nhiều hộ chỉ sản xuất trên 1 thửa lớn, tiến tới tập trung, tích tụ ruộng đất. Cuộc cách mạng này cũng đang được thực hiện quy mô ở các huyện trọng điểm sản xuất lúa như: Can Lộc, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Thạch Hà, Đức Thọ…

Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 6.300 ha đất sản xuất được phá bờ vùng, bờ thửa, chuyển đổi, tích tụ theo cánh đồng lớn (tăng gần 2.000 ha) so với cuối năm 2021.

Cánh đồng lớn không còn là khái niệm xa lạ với bà con nông dân Hà Tĩnh. Sau đợt chuyển đổi ruộng đất, những cánh đồng bằng phẳng, không còn ranh giới của ô, thửa tạo không gian rộng lớn. Đứng trước cánh đồng hơn 30 ha, ông Trần Xuân Tuấn (thôn Đông Thịnh, xã Hồng Lộc, Lộc Hà) vui mừng: “Được đầu tư hạ tầng, cải tạo đất, cánh đồng manh mún nay trở nên rộng lớn, tươi sáng hơn. Vụ xuân này mang theo bao mong ước, tin tưởng của bà con nông dân”.

Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 6.300 ha đất sản xuất được phá bờ vùng, bờ thửa, chuyển đổi, tích tụ theo cánh đồng lớn (tăng gần 2.000 ha) so với cuối năm 2021. Sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn có đầu tư phù hợp cho năng suất lúa cao hơn từ 5-10%, giá trị sản xuất cao hơn từ 20-30%.

Mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa gắn với sản xuất hữu cơ tại xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên.

Cánh đồng lớn đang mở ra cơ hội ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, liên kết doanh nghiệp. Câu chuyện về tích tụ ruộng chuyên canh sản xuất lúa quy mô 7 ha tại xã Đồng Môn và 9,77 ha tại xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh); mô hình sản xuất lúa kết hợp nuôi rươi theo hướng hữu cơ ở xã Kỳ Khang (huyện Kỳ Anh); chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa gắn với sản xuất hữu cơ tại Cẩm Xuyên… đang mang thêm niềm tin và kỳ vọng của bà con nông dân về những thay đổi trong sản xuất nông nghiệp, chuyển từ phương thức truyền thống sang hàng hóa lớn, sản xuất lớn.

Mô hình của anh Nguyễn Hữu Quyền (thôn Liên Nhật, xã Thạch Hạ) trồng lúa theo hướng hữu cơ, vừa nuôi trồng các loại thủy sản và xây dựng các loại hình du dịch lịch, dịch vụ nông nghiệp.

Ông Lê Ngọc Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Đến nay, huyện có hơn 2.000 ha phá bờ vùng, bờ thửa, chuyển đổi, tập trung ruộng đất. Huyện cũng đang ưu tiên tập trung triển khai các mô hình sản xuất có liên kết với doanh nghiệp theo hướng đạt chuẩn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Đây được xem là những “hạt nhân” góp phần xây dựng các chuỗi kinh tế nông thôn tuần hoàn, an toàn, thân thiện, sinh thái, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của địa phương trong thời gian tới.

Chính sách trở thành đòn bẩy để Hà Tĩnh tập trung thực hiện chuyển đổi ruộng đất và nâng cao các chuỗi giá trị sản xuất, chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp.

Chính sách “dẫn đường”, tạo động lực mới

2022 được xem là năm Hà Tĩnh tập trung cao cho các chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân và NTM, trong đó, chủ lực là: Nghị quyết số 04-NQ/TU về thực hiện đề án xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết 06-NQ/TU về tập trung, tích tụ ruộng đất giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết 51-NQ/HĐND về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2022-2025…

Các địa phương cũng thực hiện nhiều giải pháp huy động nguồn lực để tạo sức bật cho sản xuất. Điều này đã thực sự trở thành “đòn bẩy” quan trọng để ngành nông nghiệp Hà Tĩnh thể hiện vai trò ngành kinh tế chủ lực, thực hiện thành công cuộc cách mạng về chuyển đổi ruộng đất và nâng cao các chuỗi giá trị sản xuất, chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp.

Người dân thôn Nam Tân Dân (xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc) thông qua kế hoạch chuyển đổi đất lần 3.

Tại xã Tùng Lộc (Can Lộc), từ 43 ha năm 2022, vụ xuân năm nay, xã đã mở rộng thêm 110 ha sản xuất cánh đồng lớn; dự kiến, tổng mức hỗ trợ mỗi ha thực hiện chuyển đổi khoảng 9 triệu đồng. Cùng đó, xã đầu tư xây dựng đường giao thông nội đồng rộng 6-8m, sửa chữa kênh mương, cống... phục vụ các vùng sản xuất.

Ông Nguyễn Xuân Hạnh (thôn Nam Tân Dân, xã Tùng Lộc) cho biết: “Có chính sách “dẫn đường”, bà con chúng tôi đã mạnh dạn đóng góp thêm hơn 200 triệu đồng để cải tạo hạ tầng. Chúng tôi rất kỳ vọng, sau chuyển đổi ruộng đất sẽ dần tiếp cận những phương thức sản xuất mới, hiện đại hơn nhằm nâng cao giá trị kinh tế nông nghiệp”.

Đề án tập trung ruộng đất, hình thành vùng sản xuất quy mô lớn của huyện Can Lộc đang phát huy hiệu quả với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo nên chất xúc tác mạnh cho các xã, thị trấn. Trong năm 2022, toàn huyện đã có 15 tỷ đồng hỗ trợ chính sách từ cả 3 cấp tỉnh, huyện và xã. Năm 2023, các địa phương đã đăng ký trên 1.360 ha chuyển đổi, tập trung ruộng đất, vượt hơn 300 ha so với kế hoạch đề ra.

Bà con nông dân TP Hà Tĩnh kỳ vọng hình thành vùng sản xuất quy mô lớn sau chuyển đổi ruộng đất.

Tại TP Hà Tĩnh, năm 2022, với trên 5,5 tỷ đồng từ các nguồn hỗ trợ đã xây dựng được 8 HTX, làm “đầu kéo” cho sản xuất nông nghiệp. Địa phương đã thực hiện chuyển đổi hoàn toàn hơn 140 ha và tích tụ trên 78 ha đất để sản xuất các mô hình nông nghiệp đô thị hiện đại.

“TP Hà Tĩnh chú trọng hình thành các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị, vùng sản xuất hàng hóa gắn với phát triển đô thị sinh thái. Thời gian tới, địa phương tiếp tục lấy HTX làm trung tâm để liên kết giữa doanh nghiệp và người dân, giữa người sản xuất và người tiêu dùng, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số vào sản xuất, ông Lê Quang Đức - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh cho biết.

Lãnh đạo ngành Nông nghiệp cùng lãnh đạo huyện Can Lộc đi kiểm tra thu hoạch hè thu tại xã Kim Song Trường.

Theo ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở NN&PTNT, nền nông nghiệp tỉnh nhà đang từng bước chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Tỉnh tiếp tục khuyến khích các địa phương huy động các nguồn lực thực hiện chủ trương chuyển đổi tập trung ruộng đất nhằm giảm số thửa/hộ nông dân, hình thành cánh đồng lớn gắn với hệ thống giao thông, thủy lợi đồng bộ. Cánh đồng mẫu lớn trở thành tiền đề quan trọng để doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác có thể đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa, áp dụng khoa học, công nghệ cao, gắn với chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; tăng năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa.

Thái Oanh