Cần sớm xử lý dứt điểm việc phụ huynh ngăn cản học sinh đến trường ở Nghệ An

07/09/2022 20:53
Sau lễ khai giảng, nhiều phụ huynh xã Lạng Sơn (huyện Anh Sơn Nghệ An) ngăn cản học sinh đến trường để phản đối việc sáp nhập trường THCS.
Link nguồn bài viết
https://giaoducthoidai.vn/can-som-xu-ly-dut-diem-viec-phu-huynh-ngan-can-hoc-sinh-den-truong-o-nghe-an-post607092.html
Truy cập link gốc
Sáng 7/9, nhiều học sinh xã Lạng Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An) đi học nhưng sau đó ra về do phụ huynh ngăn cản vào trường.

Lý do phụ huynh ngăn cản học sinh đến trường

Sáng 7/9, hàng trăm học sinh THCS của xã Lạng Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An) đã tới trường nhưng sau đó gia đình, người thân không cho vào lớp.

Đứng tập trung ngoài cổng trường đến nửa buổi, các em lần lượt ra về. Còn rất nhiều phụ huynh vẫn ở lại để yêu cầu chính quyền địa phương, lãnh đạo huyện trả lời việc họ phản đối sáp nhập trường.

Ông Nguyễn Quang Huân (xóm 5, xã Lạng Sơn) cho biết, từ hơn 6h sáng, ông cùng nhiều người dân đã tập trung trước cổng Trường THCS Khai Lạng cơ sở 2 để phản đối việc sáp nhập trường.

Cách đây 4 năm, Trường THCS Lạng Sơn và Trường THCS Khai Sơn sáp nhập thành Trường THCS Khai Lạng. Dù sáp nhập nhưng trường vẫn duy trì 2 điểm, trong đó cơ sở chính đặt tại xã Khai Sơn, còn cơ sở 2 đặt tại xã Lạng Sơn. Đồng thời chỉ có học sinh khối 9 xã Lạng Sơn chuyển sang cơ sở chính để thuận tiện cho dạy học, ôn thi vào lớp 10.

Phụ huynh xã Lạng Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An) tập trung ở cổng trường ngăn cản con em đi học để phản đối sáp nhập trường.

Ông Huân là một trong những phụ huynh có con học lớp 9 khóa đầu tiên của xã Lạng Sơn chuyển sang học tập ở cơ sở xã Khai Sơn. Ông Huân kể lại, vì đường xa không yên tâm cho con đạp xe đến trường cách nhà 5-6km nên gia đình đưa đón con rất vất vả. Về sau, để thuận tiện hơn, ông mua cho con chiếc xe đạp điện để tự đi học. Hiện cháu vừa tốt nghiệp THPT, nhưng có cháu kế tiếp bước vào lớp 6 năm học 2022-2023 này.

Nói về lý do phản đối sáp nhập trường, phụ huynh này cho biết vì nhận được thông báo từ năm học này sẽ chuyển lớp 6, 7, 8 ra học ở cơ sở chính tại xã Khai Sơn. “Tôi và nhiều phụ huynh khác mong con được học tại trường trong xã, khỏi đi xa vất vả. Hơn nữa cơ sở vật chất ở đây cũng rất tốt, có nhà 2 tầng kiên cố”, ông Huân nói.

Trước khi chính thức bước vào năm học 2022-2023, nhiều người dân xã Lạng Sơn đã có đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng huyện Anh Sơn, Nghệ An xem xét lại việc sáp nhập trường do có nhiều điều chưa hợp lý.

Cụ thể, cơ sở vật chất của trường mới chưa đảm bảo cho toàn bộ học sinh THCS của hai xã. Việc đi lại của các cháu từ lớp 6 đến lớp 8 từ Lạng Sơn sang Khai Sơn rất vất vả, xóm xa nhất cách trường 7-8km.

Nhiều học sinh xã Lạng Sơn đến trường nhưng phụ huynh ngăn cản vào lớp nên phải ra về sau đó.

Ngoài ra, nhiều người dân cũng cho rằng, Lạng Sơn vốn có truyền thống hiếu học, Trường THCS Lạng Sơn là đơn vị đầu tiên của huyện có cơ sở vật chất phòng học hai tầng. Vì vậy, nếu sáp nhập trường sang xã khác sẽ làm mai một truyền thống của địa phương, và Lạng Sơn sẽ bị mất trường THCS.

Trước ý kiến này, huyện Anh Sơn đã chỉ đạo Trường THCS Khai Lạng dừng việc đưa học sinh lớp 6, 7, 8 ra cơ sở 1. Tuy nhiên, sau đó phụ huynh vẫn tiếp tục phản đối, và ngăn cản con em tới trường.

Lớp học vắng tanh sau lễ khai giảng

Sáng nay, tại cơ sở Lạng Khê, chỉ có duy nhất lớp học gồm 11 em lớp 8/154 học sinh đến trường học tập.

Cô Đặng Thị Hương (giáo viên Toán) cho biết, 11 học sinh này là của cả 2 lớp 8A và 8B gộp lại. “Đáng ra tôi sẽ dạy bài mới, nhưng số lượng học sinh quá ít, nên tôi cho các em luyện tập. Là cô giáo, tôi cũng chạnh lòng khi trường lớp vắng học trò, nhưng có học sinh nào trường sẽ dạy cho em đó. Đồng thời động viên, ổn định tâm lý để các em yên tâm học tập. Những em đi học đều có ý thức ham học, mong muốn đến trường”, cô Hương nói.

Sáng 7/9, cơ sở Lạng Sơn - Trường THCS Khai Sơn chỉ có 11/154 học sinh đi học.

Em Võ Thị Anh Thư nhà ở xóm 1, xã Lạng Sơn chia sẻ: “Dù có nhiều bạn không vào lớp nhưng em vẫn đi học, vì không muốn bỏ lỡ kiến thức. Nếu sau này trường chuyển sang xã Khai Sơn thì em cũng sẽ theo học. Hôm nay, bố mẹ em ở nhà, và bảo em đến trường, không phải nghỉ học ở nhà”.

Trong khi đó, em Tuấn có bố mẹ đi làm công nhân trong miền Nam, ở nhà với ông bà tại xóm 5 xã Lạng Sơn. Tuấn nói: “Bước vào năm học mới rồi nên em muốn được đi học. Bố mẹ cũng gọi điện thoại về nhắc em không được bỏ học”.

Trước đó, ngày 6/9, toàn bộ học sinh khối 6, 7, 8 của cơ sở Lạng Khê vẫn đến trường bình thường. Riêng hơn 50 học sinh khối 9 dù theo thông báo, kế hoạch là chuyển sang học tập tại cơ sở 1 nhưng vẫn tới trường cũ. Nhưng do nhà trường không bố trí, sắp xếp phòng học, thiết bị cho khối 9 tại cơ sở Lạng Khê nên các em ra về.

Việc phụ huynh ngăn cản con em đến trường gây ảnh hưởng đến quyền lợi học tập của học sinh.

Nhưng sáng nay, (7/9) cả 4 khối lớp đều bị phụ huynh ngăn cản để phản đối việc sáp nhập trường.

Cô Phan Thị Phượng cho hay, sáng sớm cô đến trường đã thấy có nhiều em đi học. Nhưng sau đó, bố mẹ tập trung ở cổng gọi con ra ngoài và không cho vào lớp học.

“Khi tôi nhắc để học sinh vào lớp thì có một số người nói lời lẽ xúc phạm cô giáo, hoặc dọa con em không được vào lớp”, cô Phượng nói.

Mong sớm có giải pháp dứt điểm

Đề án sáp nhập Trường THCS Lạng Sơn và Trường THCS Khai Sơn thành THCS Khai Lạng được thực hiện từ năm 2018 với mục tiêu tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng giáo dục đối với các đơn vị có quy mô trường lớp nhỏ.

Trong quá trình sáp nhập vẫn duy trì 2 cơ sở học tập, nhằm ưu tiên quyền lợi cho học trò dù giáo viên vất vả hơn.

"Dù hoạt động song song 2 cơ sở, nhưng không có sự phân biệt trong giảng dạy, tổ chức hoạt động giáo dục toàn diện. Giáo viên nhà trường có tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết, sẵn sàng nhận nhiệm vụ dù việc dạy học 2 điểm trường rất vất vả. Chuẩn bị cho năm học 2022-2023, nhà trường có tuyên truyền vận động nhân dân, làm công tác phổ cập, vận động đến từng học sinh, phụ huynh. Tuy nhiên, sau khai giảng, nhiều phụ huynh ngăn cản con em tới trường”, ông Lê Đình Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Khai Lạng cho hay.

Lãnh đạo huyện Anh Sơn, Nghệ An họp tháo gỡ vướng mắc về việc sáp nhập trường với cán bộ, giáo viên Trường THCS Khai Lạng.

Cũng theo ông Hà, việc ngăn cản học sinh đến trường là vi phạm quyền lợi được đi học của các em. Đồng thời ảnh hưởng đến kế hoạch dạy học của nhà trường. Hiệu trưởng Trường THCS Khai Lạng cũng mong muốn các cấp chính quyền có phương án giải quyết, xử lý dứt điểm. Trong thời gian sớm nhất để học sinh trở lại đi học, đảm bảo quyền lợi cho các em.

Trưa 7/9, ông Đặng Xuân Quang – Phó Bí thư Huyện ủy Anh Sơn - chủ trì cuộc họp, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của giáo viên và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn. Ông Đặng Xuân Quang cho hay, việc sáp nhập Trường THCS Khai Lạng được thực hiện trên cơ sở khảo sát thực tế quy mô trường lớp và được đồng ý của Ban Thường vụ Huyện ủy. Sau đó UBND huyện ban hành đề án sáp nhập 2 Trường THCS Lạng Sơn và THCS Khai Sơn.

Cơ sở chính Trường THCS Khai Lạng, huyện Anh Sơn, Nghệ An.

Liên quan đến quá trình thực hiện sáp nhập, trước mắt huyện sẽ tiếp tục thực hiện tuyên truyền, dân vận. Đối với khối 9 do ở cơ sở Lạng Sơn không chuẩn bị cơ sở vật chất dạy học, nên quan điểm của huyện là đưa các em về cơ sở chính để học tập.

Ông Đặng Xuân Quang cũng đề nghị nhà trường chuẩn bị, sẵn sàng đón học sinh và bù kiến thức khi các em đi học trở lại. Còn đối với những cá nhân ngăn cản học sinh đi học là sai trái và gây thiệt thòi cho học sinh.

Hồ Lài