Link nguồn bài viết https://baohatinh.vn/can-bo-cong-doan-tich-cuc-doi-moi-nang-cao-nang-luc-hoat-dong-post276455.html
Truy cập link gốc
Công ty CP BGG Hương Sơn (đóng tại xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn) được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 4/2024. Đây là doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm may mặc xuất khẩu sang thị trường Mỹ và các nước châu Âu.
Dù mới tiếp cận với hoạt động công đoàn nhưng chị Nguyễn Thị Thuần (ở giữa) và các thành viên trong BCH Công đoàn cơ sở Công ty CP BGG Hương Sơn đã phát huy được vai trò, trách nhiệm đối với đoàn viên, lao động. Chưa đầy 1 tháng doanh nghiệp đi vào hoạt động, công đoàn cơ sở công ty đã được thành lập, kết nạp 63 đoàn viên. Với sự tuyên truyền, vận động tích cực của cán bộ công đoàn các cấp, đến nay, công đoàn công ty đã có hơn 260 đoàn viên. BCH công đoàn phát huy khá tốt vai trò tham mưu và chăm lo quyền lợi cho người lao động.
Để có được kết quả đó, ngoài sự hướng dẫn sát sao của công đoàn cấp trên thì sự nỗ lực của cán bộ công đoàn cơ sở là điều đáng ghi nhận, nhất là trong điều kiện BCH công đoàn công ty đều là những người lần đầu tiên tiếp cận với công tác công đoàn.
Phó Chủ tịch công đoàn cơ sở Công ty CP BGG Hương Sơn Nguyễn Thị Thuần chia sẻ: “Khó khăn đầu tiên là tuyên truyền để công nhân hiểu những lợi ích, nghĩa vụ khi tham gia tổ chức công đoàn; sau đó là vận động họ tự nguyện tham gia, vận động lãnh đạo đồng thuận, tạo điều kiện để công đoàn thành lập. Khi đã thành lập được công đoàn thì phải nắm bắt tâm tư, đổi mới hoạt động cho phù hợp với thực tiễn để tạo niềm tin và thiện cảm của người lao động. Nghe công nhân nói và nói cho công nhân nghe - đó là một quá trình không dễ dàng mà chúng tôi phải nỗ lực để thực hiện”.
Ông Nguyễn Doãn Hậu (ngoài cùng bên phải) - Chủ tịch Công đoàn ngành Công thương thường xuyên xuống cơ sở trực tiếp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên công đoàn. Không chỉ cán bộ công đoàn cấp cơ sở phải nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động mà đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách cấp trên trực tiếp cơ sở cũng phải tự “nâng cấp” để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Tháng 3/2023, do yêu cầu về việc hoàn thiện mô hình tổ chức, Công đoàn Tổng Công ty Khoáng sản & Thương mại Hà Tĩnh trở thành công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn ngành Công thương. Ông Nguyễn Doãn Hậu - cán bộ Ban Tổ chức LĐLĐ tỉnh được điều chuyển giữ chức Phó Chủ tịch, sau đó được bầu giữ chức Chủ tịch Công đoàn ngành Công thương tại đại hội lần thứ IV nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Dù trước đó đã trải qua nhiều vị trí công tác ở LĐLĐ tỉnh và các huyện, thị nhưng khi tiếp nhận công việc mới tại công đoàn ngành, thường xuyên làm việc với doanh nghiệp, tiếp xúc với công nhân, lao động, ông Hậu phải không ngừng học hỏi, nâng cao kỹ năng, trang bị nghiệp vụ hoạt động tại cơ sở.
Công đoàn ngành Công thương thực hiện khá tốt chức năng chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Ông Hậu chia sẻ: “Sau sáp nhập, công đoàn ngành có nhiều thay đổi về quy mô, cơ cấu tổ chức, BCH công đoàn ngành phải hết sức nỗ lực, bám nắm cơ sở, lên kế hoạch hoạt động chi tiết, phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp. Sau một thời gian tiếp cận với cơ sở, tôi thấy mình chủ động, sáng tạo hơn trong công việc. Đó là môi trường tốt để chúng tôi rèn luyện và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của mình”.
Từ những nỗ lực đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao kỹ năng tiếp cận, vận động, tính từ tháng 7/2023 đến nay, Công đoàn ngành Công thương đã thành lập mới 2 công đoàn cơ sở, phát triển hơn 210 đoàn viên, nâng tổng số công đoàn cơ sở toàn ngành lên 28 đơn vị với 2.731 đoàn viên. Hoạt động chăm lo đời sống, bảo vệ quyền lợi cho đoàn viên, người lao động đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Cán bộ công đoàn bám nắm tình hình lao động, việc làm tại doanh nghiệp ở Khu kinh tế Vũng Áng. Khu kinh tế Vũng Áng - nơi tập trung đông doanh nghiệp, công nhân lao động nhất toàn tỉnh được coi là “mảnh đất” màu mỡ cho tổ chức công đoàn hoạt động, nhưng thời cơ cũng luôn đi kèm với khó khăn, thách thức.
Khu kinh tế hiện có 74 công đoàn cơ sở với gần 10.000 đoàn viên. Dự kiến, thời gian tới sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp đi vào hoạt động, đây là nguồn dư địa cho việc thành lập công đoàn cơ sở và phát triển đoàn viên. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít doanh nghiệp nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, vị trí của tổ chức công đoàn; tình hình sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp gặp khó khăn; nhận thức của công nhân, lao động có hạn chế…
Ông Trần Quang Thái - Phó Chủ tịch Công đoàn Các khu kinh tế tỉnh chia sẻ: “Hoạt động tại khu kinh tế đòi hỏi cán bộ công đoàn phải giữ được mối liên hệ mật thiết với công đoàn cơ sở, kiên trì tuyên truyền, vận động; đồng thời, nắm chắc tình hình của doanh nghiệp để cùng đồng hành, chia sẻ khó khăn. Từ đó, mới có điều kiện tiếp cận, sâu sát với công nhân, lao động để thực hiện tốt hơn chức năng chăm lo, bảo vệ cho đoàn viên, lao động của mình”.
LĐLĐ tỉnh tổ chức tập huấn nghiệp vụ năm 2024 cho hơn 3.000 cán bộ công đoàn các cấp. Nâng cao trình độ, kỹ năng hoạt động của đội ngũ cán bộ công đoàn luôn được LĐLĐ tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Đó cũng là một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị “Về đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” (gọi tắt là Nghị quyết 02).
Trong 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 02 (2021 - 2024), công tác kiện toàn, củng cố tổ chức công đoàn ở Hà Tĩnh được tập trung thực hiện xuyên suốt theo hướng tinh gọn, hiệu quả; công tác cán bộ được thực hiện theo quy định. Theo đó, LĐLĐ tỉnh đã thực hiện sắp xếp lại 3 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và 2 đơn vị trực thuộc; bổ sung quy hoạch, tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm hàng chục cán bộ.
Các cấp công đoàn tổ chức gần 50 lớp tập huấn cho hơn 7.600 lượt cán bộ công đoàn từ tỉnh đến cơ sở, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, trang bị kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác công đoàn.
Cán bộ công đoàn Hà Tĩnh nâng cao kỹ năng tiếp cận, vận động để sâu sát nắm bắt tình hình đoàn viên, lao động ở cơ sở. Kiều Minh