Cam đặc sản chín vàng, người dân vẫn ém hàng chờ tăng giá dịp Tết

20/01/2022 06:28
Giống cam bù đặc sản đã chín vàng trên các ngọn đồi ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), nhưng nhiều người dân vẫn kìm hàng để chờ dịp Tết bán được giá hơn.
Link nguồn bài viết
https://zingnews.vn/cam-dac-san-chin-vang-nguoi-dan-van-em-hang-cho-tang-gia-dip-tet-post1290513.html
Truy cập link gốc
Huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) được xem là thủ phủ của giống cam bù với diện tích hơn 1.000 ha. Cam được trồng chủ yếu trên các ngọn đồi ở xã Sơn Trường, Kim Hoa, Sơn Hàm...và một số xã của huyện Vũ Quang, Hương Khê.

Theo người dân địa phương, cây cam bù trưởng thành cao hơn 3 m, tán rộng khoảng 5 m và có vòng đời khoảng 15-20 năm. Từ đầu tháng 12 Âm lịch đến nay, các vườn cam bù đã chín vàng, thương lái khắp nơi đến tận vườn đặt mua, mang ra bán lẻ tại các khu chợ trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, một số vườn vẫn kìm hàng, chờ bán dịp Tết để có giá cao hơn.

Anh Lê Văn Bằng (35 tuổi, trú xã Sơn Trường), nói gia đình có gần 200 gốc cam có tuổi 8-10 năm tuổi. "Năm nay, do mưa nhiều nên sản lượng cam chỉ đạt khoảng 2 tấn, thấp hơn các năm trước. Giá cam dao động mức 20.000-45.000 đồng/kg, tùy từng loại. Các năm trước, dịp sát Tết giá cam có thể tăng lên 60.000-70.000 đồng/kg", anh nói.

Nhiều gốc cam trĩu quả nên người trồng phải dùng dây buộc hoặc cọc chống để hạn chế gãy cành hoặc quả chạm đất sẽ bị hỏng.

Người dân cho biết giống cam bù Hương Sơn là cây trồng có từ lâu. Để bảo tồn giống cam này, họ sẽ chiết cành từ các cây lâu năm để trồng thay mới. Cam khi trồng mới 2-3 năm sẽ cho quả bói, sang năm tiếp theo cho thu hoạch.

Cháu Lê Quang Trung (9 tuổi, trú xã Sơn Trường) thích thú khi cùng người thân ra vườn hái cam bán cho khách.

Ngoài cam bù, người dân huyện Hương Sơn còn trồng dòng cam chanh hay cam ngọt V2.

"Gia đình trồng hơn 1.000 gốc cam nhưng khoảng 800 gốc đã cho thu hoạch. Năm nay vườn cam cho sản lượng khoảng 30 tấn, với mỗi kg sẽ được bán với giá 20.000-35.000 đồng, trừ chi phí cũng lãi được vài trăm triệu", anh Thái Vinh Quang (45 tuổi, trú xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn) nói.

Ngoài kinh nghiệm trồng và chăm sóc cam, anh Quang còn ứng dụng hệ thống sản xuất nông nghiệp thông minh với chi phí bỏ ra khoảng 380 triệu đồng. Hệ thống này sẽ giúp người dân quản lý được các chỉ số kỹ thuật, thời tiết, ứng dụng tưới tiêu, kiểm tra an ninh vườn cam của mình.

Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hương Sơn cho biết cam bù là cây trồng chủ lực phát triển kinh tế ở địa phương. Cây cam giúp người dân có thu nhập ổn định, nhiều hộ có doanh thu lên đến hàng tỷ đồng nhờ trồng cam.

Phạm Trường