Báo động trẻ em đuối nước tử vong tăng cao ở Hà Tĩnh

30/06/2022 19:48
Thời gian gần đây, trên địa bàn Hà Tĩnh liên tiếp xảy ra đuối nước khiến nhiều trẻ em tử vong thương tâm. Nguyên nhân chủ yếu là do sự lơ là, chủ quan của phụ huynh, trong khi đó nhiều trẻ em không biết bơi hoặc thiếu các kỹ năng, kiến thức về phòng tránh tai nạn đuối nước.
Link nguồn bài viết
https://suckhoedoisong.vn//bao-dong-tre-em-duoi-nuoc-tu-vong-tang-cao-o-ha-tinh-169220630172608452.htm
Truy cập link gốc
Nhiều vụ đuối nước thương tâm liên tiếp xảy ra trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian gần đây đã cướp đi mạng sống của hàng chục trẻ em, đang rung lên hồi chuông báo động.

Trẻ em là đối tượng rất dễ bị đuối nước. Ảnh minh họa.

Mới đây, ngày 23/6 tại xã Cẩm Thành (huyện Cẩm Xuyên) lại tiếp tục xảy ra vụ đuối nước thương tâm, cướp đi quyền được sống của em L.H.L (14 tuổi, trú thôn Đông Mỹ). Em L. đang là học sinh lớp 8 tại trường THCS Đại Thành (xã Cẩm Thành).

Theo đó, khoảng 16h30 ngày 22/6, em L. cùng nhóm bạn khoảng 4 người rủ nhau ra kênh chính Kẻ Gỗ để tắm. Trong lúc tắm, nhóm bạn này thay nhau nhảy từ trên bờ kênh xuống nước để nô đùa. Khi mọi người lên bờ thì mới phát hiện L. chưa nổi lên nên đã hô hoán cầu cứu.

Nhận được tin báo, người dân thôn Đông Mỹ cùng chính quyền địa phương nhanh chóng có mặt để tìm kiếm. Khoảng 18h cùng ngày, lực lượng chức năng mới tìm thấy thi thể nữ sinh đang bị vướng ở dưới lòng kênh. Được biết, em L. đang ở cùng bố và ông bà nội, mẹ đi làm công ty ở tỉnh Bắc Ninh.

Sau 1 ngày, sáng 24/6, một vụ đuối nước thương tâm cướp đi mạng sống của của nam sinh T.M.T (15 tuổi, trú xã Đan Trường, huyện Nghi Xuân). Trước đó, vào lúc hơn 17h ngày 23/6, em T. (chuẩn bị vào học lớp 10) cùng một số trẻ em trong thôn ra tắm ở bãi biển gần nhà. Trong lúc đang tắm, không may T. bị sóng đánh cuốn trôi rồi mất tích. Sau đó, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể của em T. cách khu vực gặp nạn khoảng 700m.

Bãi biển nơi em T. gặp nạn.

Gần đây nhất, khoảng 16h ngày 26/6, em Đ.S.Q.H. (16 tuổi, học sinh lớp 10) trú tại thôn Trà Liên, xã Thường Nga, huyện Can Lộc cùng nhóm bạn rủ nhau ra mương phía dưới kênh Linh Cảm để tắm.

Trong lúc tắm, em H. lên phía trên cống nước của kênh không may bị trượt chân ngã xuống dẫn đến đuối nước.

Nhận được tin báo, chính quyền địa phương phối hợp với các lực lượng chức năng và người dân địa phương tổ chức tìm kiếm. Khoảng 22h30 cùng ngày, thi thể của nạn nhân được tìm thấy cách vị trí xảy ra đuối nước khoảng 70 m.

Được biết, em Đ.S.Q.H. là con thứ hai trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bố bị bệnh nặng.

Những tai nạn thương tâm liên tiếp cướp đi sinh mạng của trẻ em một lần nữa gióng lên những hồi chuông báo động về đuối nước. Trẻ em bị đuối nước đã trở thành nỗi ám ảnh day dứt đối với phụ huynh, giáo viên và các cơ quan chức năng về quản lý, bảo vệ trẻ em trong mùa hè.

Mặt khác, ở độ tuổi hiếu động, nhiều em có tâm lý ham chơi, ưa mạo hiểm nên đã trốn gia đình đi tắm sông, tắm suối, đùa nghịch ở ngay cả những địa điểm thường xuyên xảy ra đuối nước và phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.

Tại các địa phương vùng sâu, xa, khu vui chơi dành cho trẻ em rất ít, các nhà văn hóa hầu như chỉ để phục vụ hội họp của thôn, xóm… Trong khi số hồ bơi an toàn, đạt chuẩn đáp ứng nhu cầu vui chơi và học tập kỹ năng bơi lội, phòng chống tai nạn đuối nước còn rất hạn chế.

Hà Tĩnh là địa phương có số lượng ao, hồ khá lớn, mỗi dịp nghỉ hè, các em học sinh thường hay rủ nhau đi tắm, nô đùa sông suối. Vì vậy, nguy cơ xảy ra đuối nước rất cao. Theo thống kê, tại Hà Tĩnh hàng năm đều có các trường hợp trẻ em tử vong thương tâm do đuối nước, thậm chí có nhiều trẻ biết bơi nhưng vẫn tử vong do bơi tại khu vực nước sâu nguy hiểm.

Nhiều đơn vị cũng đã tổ chức các buổi tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng chống đuối nước cho trẻ em.

Thiết nghĩ, để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra và hạn chế trẻ tử vong do đuối nước đến mức thấp nhất, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các ngành chức năng, các tổ chức xã hội, đoàn thể, gia đình và nhà trường để xây dựng một môi trường an toàn cho trẻ. Bên cạnh đó, đối với các bậc phụ huynh, cần nâng cao ý thức quản lý, không để các em tự do tắm sông, biển, ao hồ mà không có người lớn đi cùng trông nom.

Ngoài ra, các nhà trường cũng cần quan tâm dạy kỹ năng bơi cho trẻ như một chương trình bắt buộc. Hy vọng, những nỗ lực của các cấp, các ngành, cùng với các nhà trường và các bậc phụ huynh, thời gian tới, Hà Tĩnh sẽ giảm tối đa tình trạng trẻ em bị đuối nước thương tâm.

Nguyễn Sơn